Saturday, April 9, 2016

Bàn về vỗ tay

Ts Nguyễn Đình Cống

Bình thường vỗ tay là để tỏ ý tán thưởng, động viên, khen ngợi một phát biểu, một biểu diễn của ai đó. Vỗ tay có giá trị  cao khi nó xuất phát một cách tự động, bất chợt, là sự bùng nổ ngẫu nhiên do cảm nhận được cái hay, cái tuyệt vời. Lúc này vỗ tay càng to, càng kéo dài chứng tỏ sự hưởng ứng, sự ca ngợi càng mãnh liệt. Trong tiếng vỗ ấy người ta cảm nhận được cái hồn, khơi dậy được nguồn năng lượng tinh thần.
Vỗ tay còn để thể hiện thái độ lịch sự khi tiếp nhận một biểu diễn nào đó.
Trong 2 trường hợp trên người  ta căn cứ vào mức độ tiếng vỗ tay để phán đoán tầm thành công của biểu diễn. Vỗ tay vì lịch sự thường chỉ lẹt đẹt vài ba tiếng mà thôi.
Cũng thường gặp vỗ tay theo “mồi”. Đó là khi người trên diễn đàn, phát biểu xong một ý nào đó, rất muốn cử tọa hưởng ứng nhưng chẳng có ai vỗ tay, đành tự mình vỗ tay trước để làm mồi cho người ta vỗ theo. Kiểu vỗ tay như thế thường rời rạc, dựa vào sự nể nang.
Có một loại vỗ tay theo chỉ đạo, được dàn dựng trước. Đó là vỗ tay trong các buổi mit tin để chào mừng ai đó hoặc sự kiện nào đó , trong các đại hội . Kiểu vỗ tay này là theo nhiệm vụ, theo kịch bản, đầy tính xu nịnh. Vỗ rất to, rất dài, nhưng đấy chỉ là những tiếng động vô hồn. Trong mớ hỗn độn âm thanh ấy người ta cảm nhận được sự rời rạc, sự áp đặt, kể cả sự khinh bỉ. Điển hình cho sự vỗ tay này xẩy ra tại đại hội đảng cộng sản Rumani năm 1989 khi nghe bài phát biểu của Tổng bí thư Ceausescu. Người ta vỗ tay rất to, rất nhiều lần, mỗi lần rất dài. Tưởng rằng như vậy thì Ceausescu đang ở trên đỉnh cao của uy tín và quyền lực, không ngờ chỉ sau vài ngày ông đã bị nhân dân vùng lên, lật đổ, bị tòa án kết tội tử hình và bị bắn ngay sau đó.
Gần đây lại thấy xuất hiện nhiều kiểu vỗ tay “từ thiện”. Tại các tiệc cưới hoặc buổi liên hoan, thậm chí tại buổi thuyết trình, có vài người ( chủ yếu là người dẫn chương trình MC ) đề nghị, xin xỏ  : “ Xin bà con cho một tràng pháo tay để…”. Vỗ tay là tỏ ý tán thưởng, thế mà  phải đi xin thì quá yếu. Các MC tưởng nhầm thế là lịch sự vì cúi đầu xuống để xin, nhưng chưa thấy được sự hèn kém ẩn dưới chữ xin đó.
Xin kể câu chuyện. Hồi tháng 5/ 2014 tôi thuyết trình tại Đại học Xây dựng Miền Trung về Nghệ thuật giao tiếp. Khi tôi kết thúc, thính giả mà phần lớn là sinh viên đã nhiệt liệt vỗ tay. Tiếp theo là phần giao lưu, giải đáp, thảo luận. Sau vài ý kiến, một bạn trẻ  phát biểu : “ Trước khi em nêu nhận xét và câu hỏi, em xin các bạn một tràng pháo tay thật to để cám ơn giáo sư Cống đã thuyết trình rất hay”. Nghe đến đây tôi vội vàng  giơ tay ra hiệu ngăn lại và  nói lớn ; “ Xin đừng, xin đừng”. Sau đó tôi nói tiếp : “ Tôi cám ơn bạn trẻ vừa rồi vì lòng tốt và sự kính trọng đối với tôi mà xin các bạn vỗ tay, nhưng tôi không muốn nhận sự vỗ tay do xin xỏ ấy. Các bạn đã thật lòng vỗ tay rồi, tôi đã cảm nhận được tấm lòng đó, bây giờ lại xin vỗ tay thì tôi chẳng thấy vinh dự hơn mà còn cảm thấy bị xúc phạm, nào, bạn trẻ, có nhận xét hoặc câu hỏi gì cứ nêu ra”.
Thế còn khi bạn phát biểu xong mà cả hội trường im phăng phắc, không một tiếng vỗ tay thì sao.  Xin kể 3 chuyện.
Chuyện 1-Tại cuộc họp Quốc hội sáng ngày 01 tháng 4 vừa qua xẩy ra một việc như vậy ( tôi không được chứng kiến kiểu  “kỳ mục sở thị” mà chỉ biết qua tường thuật ). Đó là phát biểu nổi tiếng của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Hội Luật gia VN. Trong 7 phút LS Nghĩa đã hùng hồn phát biểu những vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước, những sự thật mà ít ai dám nói tới hoặc tìm mọi cách che dấu hoặc nói ngược lại. Phát biểu xong không có tiếng vỗ tay nào. Hình như gần 500 đại biểu QH, khi nghe xong cảm thấy tự đau xót, thấm thía, xấu hổ, bất động như bị đánh trúng tử huyệt. Cũng có nhận xét là gần 500 đại biểu chỉ là nghị gật, phải cúi đầu xấu hổ trong thân phận bù nhìn.
Chuyện 2-Tại cuộc Hội thảo do Hội Cựu giáo chức tổ chức bàn về  “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới giáo dục” vào tháng 11 năm 2013 tại Hà Nội ( do GS Phạm Minh Hạc điều khiển), tôi được đọc tham luận. Đọc xong phần chính đã được duyệt, tôi phát biểu thêm mấy câu sau ( không có trong bài chuẩn bị sẵn nộp cho ban tổ chức) : “Trong  hội thảo này tôi nghe có 3 tham luận nhấn mạnh rằng phải kết hợp chặt chẽ tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác Lê nin. Tôi cho rằng việc đó không những không cần thiết mà còn có hại. Càng ngày càng thấy rõ Chủ nghĩa Mác Lênin chứa nhiều độc hại, nếu kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cho tư tưởng đó bị xấu đi. Tôi đề nghị, để phát triển giáo dục cũng như phát triển đất nước thì nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lê nin. Xin hết “. Tôi kết thúc tham luận, bước xuống trong không khí im lặng gần như tuyệt đối, không một tiếng vỗ tay, không một tiếng xì xào, không gian như bị đông cứng lại. Vừa đi xuống, tôi nhìn sang hai bên, nhận được những ánh mắt thông cảm, cổ vũ, và cả vài ánh mắt, bộ mặt hằn học, thù hận. Khi giải tán, tôi cố nấn ná lại khá lâu trước cổng để nhận những cái bắt tay thân thiện và một vài lời thì thầm “ được, tớ đồng ý…, giỏi, dũng cảm…”. Tôi có hỏi vài người quen “ sao không vỗ tay”. Nhận được câu trả lời : “ Ủng hộ trong lòng là được rồi, vỗ tay có mà…”. Đó là năm 2013 !
Chuyện 3- Xa hơn chút nữa, tháng 11 năm 2000. Trong chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ  Bill Clinton,  có buổi gặp gỡ với sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi không được dự buổi gặp này, chỉ được nghe nói rằng những thầy cô giáo và sinh viên đến dự phải được lựa chọn trước, được căn dặn là phải ngồi yên ( không được đứng dậy chào mừng) khi Tổng thống Mỹ vào hội trường, không được vỗ tay khi nghe ông ta nói chuyện. Không biết chỉ thị đó từ ai phát ra. Có người đoán là từ Tổng bí thư đảng Đỗ Mười. Đây là kiểu không được vỗ tay theo mệnh lệnh. Tôi có nghe tường thuật trực tiếp buổi đó. Nhiều điều tôi cho là mới lạ, rất hay, đáng ra phải được vỗ tay nhiệt liệt, thế mà hội trường vẫn im phăng phắc. Tôi hết sức thông cảm với những người dự trực tiếp, được nghe những lời quá hay mà phải kìm nén. Ôi chao, các phóng viên ngoại quốc sẽ đánh giá trình độ văn hóa của thầy trò đại học VN ở mức nào.
Thế mới biết, chuyện vỗ tay hay không, tưởng là đơn giản nhưng nhiều lúc chẳng đơn giản chút nào.
*** Hèn đến thế là cùng
Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, khi nghe vợ đọc xong một đoạn của “Tam quốc”, anh chàng Hoàng hạ một câu để đời: “Tài thật, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo”.
Ngày nay, khi nghe chưa xong đầu đuôi chuyện thời sự, ông bạn già của tôi lẩm bẩm: “Hèn thật, hèn thật, hèn đến thế là cùng”. Tôi chờ xem ông có tiếp thêm câu gì nữa không, đại khái như… tiên sư anh nào đó, nhưng chỉ nghe thấy ông nuốt ực một tiếng, cố ghìm lại cái gì đấy đang muốn trào qua cổ họng. Tôi vội vỗ lưng ông mấy cái và khuyên bớt bức xúc, không thì huyết áp lại tăng. Chuyện thời sự gì mà nóng vậy. Thưa rằng chuyện “dân chủ đến thế là cùng”.
Nhưng trước khi bàn tiếp vấn đề dân chủ, xin kể vài chuyện liên quan đến thái độ hèn.
Chuyện xưa, Hàn Tín lúc còn hàn vi, vui vẻ chui qua háng anh hàng thịt, nhiều người đương thời cho là hèn, quá hèn, nhưng đời sau cho là dũng cảm, quá dũng cảm. Quản Trọng khi còn trẻ, đi lính, khi xông trận thường tìm cách lùi lại phía sau, nhiều người cho là hèn, chỉ có Bảo Thúc Nha bênh vực, và về sau mới thấy rõ  Quản Trọng không phải người hèn.
Chuyện gần đây. GS Tạ Quang Bửu, sinh thời kể 2 chuyện liên quan. 1- Năm 1952, giữa rừng Việt Bắc, đêm tối như bưng, mưa gào gió thét, sấm chớp vang trời, ông nằm một mình trong lều, sợ quá, rất muốn chui sang lều bên cạnh, cùng với tướng Nguyễn Chí Thanh cho bớt sợ, nhưng không dám, ngại bị mang tiếng sợ sấm sét. Không ngờ tướng Thanh chui vào lều ông và nói: “Anh Bửu ơi, anh có sợ không, tôi sợ lắm nên sang đây với anh cho bớt sợ”. 2- Năm 1973. Chính phủ họp bàn chuyện mở rộng Thủ đô lên Xuân Hòa. Trước cuộc họp GS Bửu đã bàn với GS thiếu tướng Trần Đại Nghĩa sẽ phát biểu không tán thành. Cuộc họp do thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì, thảo luận một hồi rồi lấy biểu quyết. GS Bửu thấy mọi người đều giơ tay, cũng rụt rè giơ theo. Bỗng sực nhớ ra, quay sang bên cạnh thấy tướng Nghĩa ngồi im, khoanh tay trước ngực. Kết thúc câu chuyện GS Bửu nhận xét: “Như vậy mình cũng chưa thoát được là một anh hèn, phải như anh Thanh, anh Nghĩa mới là dũng cảm”.
Thế mới biết giữa hèn và dũng cảm nhiều khi cũng khó phân biệt.
Chuyện thời nay. Một số không ít trong tầng lớp trí thức đề cao phương châm “Biết sợ để tồn tại”. Mà sợ đẻ ra hèn. Tưởng trí thức chịu hèn đã là quá đáng. Người ta trông chờ vào sự dũng cảm của một số người khác được cho là ưu tú trong hàng ngũ chính khách. Thế nhưng càng trông càng chẳng thấy. Tại hội nghị lần 6 của BCH TƯ ĐCSVN và sau đó tại cuộc bầu bổ sung vào Bộ Chính trị người ta thấy manh nha một vài hành động dũng cảm, dám biểu quyết ngược lại đề xuất của Tổng bí thư, người ta hy vọng… Nhưng rồi hình như có quân sư đã tìm ra được cách để Tổng bí thư áp đặt được nghị quyết 244 (về quy tắc bầu cử) lên BCH TƯ khóa 11. Nhiều người đã vạch ra rằng những điều chủ chốt của  nghị quyết 244 vi phạm trắng trợn điều lệ Đảng. Không biết trong số các ủy viên TƯ 11 có ai phát hiện ra và chống lại không.
Cái sai rõ ràng nhiều người thấy mà mình không thấy thì mang tội u mê, nếu thấy rồi mà không dám nói thì mang tội hèn. Nếu không có ai trong TƯ 11 chống lại cả thì không lẽ toàn bộ chịu mang tiếng hèn. Thôi thì tạm bỏ qua TƯ 11, người ta hy vọng vào các đại biểu của Đại hội 12. Biết rằng đa số đại biểu đến ĐH cho có hình thức, (một số còn tranh thủ ngủ gật), hy vọng may ra có được một số ít tránh được cả u mê và hèn, thể hiện là người có trí tuệ và dũng cảm để dám phản bác NQ 244. Không biết trong hội nghị trù bị đã thảo luận như thế nào, cuối cùng NQ 244 vẫn được thông qua và đem dùng cho ĐH. Không lẽ 1510 đại biểu đều hèn.
Thế rồi đến chuyện Tứ trụ triều đình. Thôi thì Tổng bí thư là việc của Đảng, tạm xong rồi. Tam trụ còn lại là việc của Quốc hội khóa mới, nhưng vì lý do nào đó mà Đảng không chờ được, phải thay ngựa giữa dòng. Việc này, người thì cho là đảo chính, người lại bảo là vi phạm hiến pháp. Đảng lại có cái lý của mình, có cái quyền  của mình. Để cho có vẻ thuận chiều thì phải tạo ra việc Tam trụ đồng loạt xin từ chức. Trước đây ít lâu nghe phong thanh là Chủ tịch Sang và Thủ tướng Dũng không từ chức, có người đã vội nhận xét là có gan, việc đó được nhiều người ủng hộ. Nhưng rồi chỉ là tin vịt. Cả 3 vị đều ngậm ngùi bị buộc phải ngậm bồ hòn xin từ chức. Nghe đến đây ông bạn già của tôi thốt lên: “Hèn thật, hèn thật, hèn đến thế là cùng”.
Tôi phân tích cho ông bạn: “Chắc các vị ấy cũng thấy như thế là quá hèn nhưng cũng nên thông cảm cho nỗi khổ của họ. Họ tuy không còn là UV BCT nhưng vẫn là đảng viên, phải tuân thủ kỷ luật Đảng, mà Đảng tự cho mình quyền quyết định nhân sự từ thấp lên cao, tự cho mình quyền ngồi lên trên Quốc hội và Hiến pháp, Đảng có quân đội và công an hùng hậu thề trung thành, thế thì việc thay ngựa giữa dòng có là cái đinh gì, hơn nữa kể từ trước ĐH 12, Đảng đã cử ra 3 vị để thay thế. Từ đó đến nay, mỗi chức vụ có 2 người, đương nhiệm và mới, cứ song song tồn tại. Thật là khó chịu cho cả hai bên. Bên đương nhiệm có danh nghĩa nhưng rồi nói chẳng mấy ai thèm nghe, chẳng khác bù nhìn, bên sắp thay lo gây thế lực và chỉ đạo ngầm, tập hợp lực lượng. Thôi thì ngậm bồ hòn mà xin từ chức cho thoát nợ đời”.
Ông bạn bổ sung: “Rút cục vẫn là quá hèn vì quá sợ. Nhiều kẻ có quyền lực có một nỗi sợ kinh khủng là sợ người ngoài phát hiện, nắm được tội lỗi của mình, sợ bị mang ra xét xử công khai. Chắc là thời gian qua Đảng đã tạo cơ hội cho các vị phạm nhiều tội lớn và nắm chắc chứng cớ để khống chế. Đảng trao cho các vị con dao rồi giữ chặt lấy đầu cán, đưa đầu lưỡi cho các vị nắm, đặt các vị vào tình thế một sống một chết. Mà các vị đang quá sợ chết nên không còn giữ được chút liêm sĩ cuối cùng, biết là quá hèn nhưng đành chịu tiếng xấu để đời chứ không như tôi với ông. Vì không sợ nên ông mới tuyên bố bỏ Đảng một cách thanh thản”.
Hình như trong tôi còn lại một chút xíu nào đó lòng thương cảm đối với các vị nên nói vớt vát:   “Biết đâu lịch sử sẽ minh oan và cho việc họ làm bây giờ không phải là hèn mà là dũng cảm cũng nên, như chuyện của Hàn Tín và Quản Trọng thời xưa”. Ông bạn tôi cãi lại: “Việc làm của Hàn Tín và Quản Trọng là lúc họ non trẻ, còn các vị đã là U70”.
Galilê khi bị tòa án giáo hội buộc phải công nhận Thuyết Nhật tâm, chịu hèn một lúc, khi ra khỏi phòng còn lẩm bẩm: “Dù sao nó vẫn quay”. 
Không biết các vị Tam trụ của VN, sau khi bị ép buộc xin từ chức có lẩm bẩm được câu gì hay không.

No comments:

Post a Comment