Tuesday, June 9, 2015

Ho Chi Minh Pork (thịt "heo" Hồ Chí Minh)

Bút ký về một chuyến đi

http://baomai.blogspot.com/
Cuối năm con Ngựa là thời gian tôi có nhiều tin không vui. Bà chị dâu Cả ra đi bất ngờ, đến cậu em vợ mới hơn năm mươi tuổi, phải đột ngột vào nhà thương mổ tim. Thêm vào đó là vài người bạn cũng từ giã cõi trần, dù mới ngoài sáu mươi. Những chuyện không mấy vui làm vợ chồng tôi đâm ra bi quan.

http://baomai.blogspot.com/
Nhà tôi nẩy ra ý kiến là đi du lịch dịp Tết Ất Mùi vì e ngại lúc quá già đi không nổi lại tiếc nuối. Về hưu rồi, con cái tự lập cả, hà tiện làm chi? Lập luận của nhà tôi vô cùng hợp lý và nói sao làm vậy, bà mua vé đi cruise vùng Singapore, ghé Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai. Từ hồi về hưu, tôi đâm ra lười biếng, phó thác mọi sự cho nhà tôi, không thắc mắc. Đó là lý do chúng tôi có chuyến "đông du" để ghi lại vài điều đáng nhớ làm câu chuyện vui cho bạn đọc.

image
Chúng tôi tới Singapore khoảng 2 giờ sáng. Tôi có thiện cảm với Singapore ngay khi mới ra khỏi máy bay. Phi trường lớn, đẹp và tổ chức rất quy củ. Điểm nổi bật là trong phi trường có trưng bày rất nhiều cây xanh và hoa, đặc biệt là hoa Lan, làm du khách cảm thấy rất nhẹ nhàng thoải mái, khác hẳn với không khí quá nhộn nhịp vội vàng của các phi trường lớn của Hoa Kỳ như Houston, New York hay San Francisco. Ngay tại trạm đến, có quán Heavenly Wang, một quán ăn bình dân mở cửa suốt ngày đêm. Đang đói bụng mà có quán mì và cà phê thì thật thú vị. Chỉ tiếc là họ không có Phở.

image
Rời phi trường, chúng tôi lên thẳng du thuyền Mariner of the Seas và ra khơi ngay hôm đó. Chúng tôi đi khá nhiều Cruises nên chuyến đi cruise chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, đây là chuyến từ Singapore đi Thái Lan rồi ghé qua Việt Nam nên có chuyện khá đặc biệt. Khi tàu vào vịnh Thái Lan, trong lòng tôi không khỏi bồi hồi. Buổi tối, lên boong tàu nhìn biển đen nghịt, tôi liên tưởng đến những con tàu tí teo vượt biển tìm tự do của bao nhiêu đồng bào không chịu nổi sự trả thù của chế độ cộng sản. Chính trong vùng biển này, hàng trăm ngàn người đã bỏ xác trong bão tố và hải tặc chỉ vì hai chữ Tự Do. Tôi lặng người thầm cầu nguyện cho những linh hồn còn lưu lạc chốn này. Gần 40 năm đã qua đi, những oan hồn này bây giờ ở đâu và nhà nước Việt Nam thì vẫn lờ đi, như không biết đến. Bao giờ các linh hồn này mới được siêu thoát?

image
Không biết có phải vì cứ băn khoăn về số phận của những nạn nhân vượt biển năm xưa hay không mà tôi thấy chuyến đi cruise này có nhiều điều bất như ý. Du khách đa số là người Tàu, Mã Lai, Indonesia, có cả một số du khách từ Việt Nam và Úc nữa. Thành phần du khách này phải nói là họ quá ồn ào và "vô tư" so với du khách từ phương Tây. Nhiều phụ nữ Trung Đông để nguyên cả áo dài xuống hồ tắm và bồn nước nóng, làm tôi ngại quá, không dám xuống hồ nữa. Một số bà Tàu thì sáng nào cũng thản nhiên chiếm ngữ track chạy bộ để múa tài chi.

image
Hình như họ không biết tiếng Anh nhiều thì phải nên thản nhiên đi bộ ngược chiều, tay chân múa lọan lên, do vậy, buổi sáng ra chạy bộ trên boong tàu phải tránh né họ phát mệt. Vào phòng ăn thì náo nhiệt, chen lấn thật là bất an. Tôi thấy có bà trùm hết mặt, chỉ còn hai mắt, bốc bánh mì lên nắm bóp "khám nghiệm" rồi bỏ xuống, một bà Á châu khác, thì nếm thử nước chấm bằng chính cái muỗng để múc, xem có đúng khẩu vị không! Họ làm như các hàng quán ở chợ Bến Thành hay khu Little India của Singapore không bằng. Chuyện này khó thấy tại các cruise bên Âu Mỹ. Đồ ăn trên cruise này có lẽ do đầu bếp gốc Mã Lai và Tàu. Tuy nhiên các món Tây Phương cũng dưới tiêu chuẩn so với các du thuyền khác mà tôi có dịp đi. Tôi đặc biệt để ý đến món "Ho Chi Minh Pork". Món này là một đề tài tán gẫu của các du khách Việt Nam, từ Mỹ, Úc và ngay cả từ Việt Nam.

image
Chắc không ai thắc mắc gì nếu thấy tên món New York Steak, Mắm ruốc Bà Giáo Thảo hay Bánh Bao Ông Cả Cần đâu, ngoài việc khen chê ngon hay dở. Nhưng món "Thịt Heo Hồ Chí Minh" hay "Thịt Hồ Chí Minh" lại là một đề tài khá thú vị cho những du khách có máu tiếu lâm. Một du khách Úc gốc Việt nói với vợ:
"Này em, ngộ quá, có món thịt Hồ Chí Minh nè, ăn cũng được đó chớ"

Bà vợ nạt liền:
"Khiếp, nghe mà muốn ói. Thịt heo thịt gà còn ăn, chứ thịt ông Hồ, No way!"

Ông chồng phản đối:
"Thì thịt heo chứ sức mấy mà em được ăn thịt Bác, nghèo mà ham!"

Bà vợ gạt đi:
"Thôi, xin cám ơn, chuyển đề tài đi kẻo em ói mất."

Ngồi gần, nghe được cuộc đàm thoại, tôi không khỏi mỉm cười. Không biết các quan chức nhà nước lo việc tuyên truyền giáo dục ở Việt Nam nghĩ thế nào khi biết có món ăn này trên du thuyền nhỉ. Ở Việt Nam thì Bác là thần tượng, toàn dân phải lo học tập Tư Tưởng, Triết lý của bác chứ ai mà dám nói tới "thịt Hồ Chí Minh". Làm sao mà cấm họ, để khỏi phạm thượng như thế? Thật là nan giải!

image
Tôi thầm nghĩ không biết ông Hồ Chí Minh mà còn tỉnh táo để biết có kẻ dám mang tên mình ra đặt cho món ăn, xếp mình ngang hàng với Ông Cả Cần, Bà Giáo Thảo thì ông Hồ nghĩ sao nhỉ. Ông dám nổi giận tuyệt giao với Singapore và cấm không cho Cruise line này ghé Việt Nam lắm. Tôi cũng chẳng dám mang chuyện này ra hỏi ý kiến mấy ông bà từ "Thành Phố" qua.
image
Sau khi ghé Thái Lan, tàu đến Phú Mỹ vào ngày 28 Tết. Tên trên cổng ghi là Tân Cảng Cái Mép nhưng trên du thuyền thì viết là Phú Mỹ. Có lẽ đây là một địa danh mới. Thoạt nghe, tưởng đâu gần khu Nhà Bè ngày xưa nhưng cảng Phú Mỹ này ở gần Bà Rịa và Vũng Tàu, cách Saigon khoảng 90 phút xe, dù bây giờ có xa lộ mới. 

Chúng tôi mua vé xe từ trên du thuyền, để về thăm lại Saigon. Họ làm cho khách một cái thẻ gọi là "Thẻ Đi Bờ", tốn 6 Mỹ kim. Nhân viên của du thuyền cho biết là dù khách có xuống bờ hay không thì vẫn bị trả khoảng tiền này vì nhà nước Việt nam định giá lệ phí ghé bến đó cho mỗi đầu người, khi tàu vào hải phận Việt Nam.

image
Gần 40 năm xa cách quê hương, nên tôi không khỏi bồi hồi khi tàu cặp bến. Điều thú vị là mặc dù Saigon đã mất tên, nhưng trên thực tế, hai chữ Sàigòn vẫn sống với người dân miền Nam và bây giờ dường như tên Saigon còn nổi rõ hơn tên chính thức là thành phố Hồ Chí Minh nữa. Hãng du lịch mang tên Saigon như Saigon Dịch Vụ, Saigon Tourist, chứ không mang tên HCM. Không hiểu cái tên Thành phố HCM quá dài hay có dị ứng gì, mà dân chúng, nhất là dân sinh trưởng ở miền Nam vẫn gọi là Saigon. Hỏi một người đàn ông từ đâu đến, câu trả lời là đến từ Thành Phố hay Thành Phố Chí Minh, chữ Hồ hầu như bị rơi mất nơi đâu. Trên đường từ cảng Phú Mỹ về Saigon, xe đi qua xa lộ mới, phải trả tiền "mãi lộ", qua Long Thành và Thủ Thiêm, chui qua đường ngầm Thủ Thiêm, dưới sông Saigon, vào tới trung tâm thành phố. Long Thành bây giờ rất trù phú, xa lộ sát nhà, những cánh rừng cao su ngày xưa chỉ còn rất ít và thưa thớt. Khi xe chạy qua những vườn cây cao su, tôi không khỏi nhớ lại, những lần đi công tác Đà Lạt, trước năm 1975, phải đi xe qua vùng này mà rợn gáy vì mấy anh du kích núp trong rừng bắn ra, gây nhiều thương tổn cho đoàn công tác, nhất là những lần đưa các phái đoàn cố vấn Mỹ hay Úc đi.

image
Anh hướng dẫn viên người Việt nói tiếng Anh khá lưu loát và cũng có đầu óc hài hước. Nói về những khu building cao sang mới mọc lên hai bên đường, anh giải thích: "Quý vị thấy những building hai bên đường, đó là của VC mới, các nhà tranh lụp xụp là VC cũ. VC cũ là Việt Cộng đánh Mỹ cứu nước, VC mới là Việt Capitalist, là đại gia, là Tư Bản đỏ, đón Mỹ cứu nước, xây biệt thự cho thuê, lấy tiền mua shopping bên California và Texas..." Anh chia sẻ riêng với tôi là gia đình anh ở Mỹ hết, mẹ anh muốn bảo trợ anh qua Houston nhưng anh thấy đời sống bây giờ cũng yên ổn, nên còn chần chừ. Anh phát ngôn rất thoải mái về các vấn đề chống tham nhũng và chính trị nhưng tôi cũng phải dè dặt, vì biết đâu đây chỉ là một cái bẫy dăng ra cho những người có máu "phản động" sa vào. Hy vọng là tôi sai và hy vọng đây là phản ánh tự nhiên của người dân muốn "xả xú bắp" khi họ nói bằng Anh Ngữ với những người từ nước ngoài về thăm quê hương như tôi.

image
Khoảng 9 giờ 30 sáng, xe vào đến Saigon, dừng tại Nhà Thờ Đức Bà để hành khách tự do rong chơi Saigon cho đến 4 giờ chiều, xe đón chở về lại tàu.

Minh, người bạn thân, đón chúng tôi trước trụ sở Bưu Điện Saigon. Minh nói vì là ngày giáp Tết nên quá nửa dân Saigon về quê ăn Tết và đường phố đã vắng hơn thường lệ rất nhiều. Tuy nhiên tôi vẫn thấy Saigon ngày 28 Tết khá đông đúc và dĩ nhiên là nóng bức. Nhà thờ Đức Bà vẫn như xưa nhưng không có lễ mà chỉ có du khách. Trụ sở Bưu Điện được sơn phết lại với mầu vàng chói mắt. Tôi chưa kịp hỏi thì Minh đã giải thích: "Bạn thấy mầu sơn khó chịu quá phải không? Nhiều người cũng đã lên tiếng phàn nàn không hiểu tại sao nhà nước lại chọn màu sơn không hợp với khung cảnh chung quanh chút nào như vậy và cơ quan chức năng có trả lời đây chỉ là sơn thử. Có lẽ, nếu nhiều người phản đối thì họ sẽ cứu xét cho sơn màu khác". 

image
Tôi thầm nghĩ sơn một trụ sở lớn như vậy mỗi lần tốn bộn bạc mà sao họ phí thế? Tuy nhiên tôi chỉ lắc đầu không nói vì sợ bạn tôi buồn. Chúng tôi đi dạo trên phố Saigon để xem phố ngày Tết. Đi trên đường Tự Do cũ, bây giờ là Đồng Khởi, nhà cửa thay đổi nhiều, rất khác ngày xưa. Tôi nhận không ra con đường tôi vẫn dẫn người tình đi dạo phố ngày xưa. Có lẽ tại tôi đã già rồi chăng! Tòa nhà Đô Chánh vẫn như xưa, Tòa nhà Quốc Hội cũ nay là nhà Hát Lớn cũng vẫn như xưa nhưng không thấy không khí thân mật của ngày trước. Có lẽ vì những tấm biểu ngữ và lá cờ đỏ chăng. Sàigòn, ở đâu cũng thấy biểu ngữ, hô hào hết chuyện này đến chuyện nọ. Từ chuyện chống nghiện ngập đến chuyện mừng Xuân, mừng Đảng. Tôi nghĩ, nếu Việt Nam cắt bỏ vụ biểu ngữ thì ngân sách có không ít tiền để làm những chuyện hữu ích.

image
Đường Nguyễn Huệ, nơi năm nào cũng có chợ hoa thì năm nay không có chợ hoa nữa. Được biết thành phố đang làm dự án nâng cấp biến khoảng nửa cây số đường Nguyễn Huệ thành một Quảng Trường rộng đẹp, không cho xe cộ qua lại, làm nơi hội họp của dân chúng, như Quảng Trường Ba Đình ngoài Hà Nội hay Quảng Trường Thiên An Môn bên Tàu. Dự án dự trù hoàn tất trước ngày 30 tháng Tư để mừng "40 năm ngày Giải Phóng". Tuy nhiên đến giữa tháng Hai mà công việc vẫn còn bề bộn. Vì đường Nguyễn Huệ đang sửa chữa, nên năm nay, Đường Hoa mừng Xuân Ất Mùi chuyển qua đại lộ Hàm Nghi. Sáng 28 Tết, đường hoa Tết Ất Mùi đang chờ ông Lê Khả Phiêu tới chủ tọa lễ khai mạc, chúng tôi chỉ được phép đi ngoài hàng rào cản, nhân viên bảo vệ đứng khắp nơi. Dù đứng ngoài nhìn vào nhưng cũng thấy được sự quy mô của các đồ án, rất đẹp và đắt tiền. Hy vọng ngân quỹ chi phí cho các công trình ăn chơi này là do các hãng tư nhân đài thọ, chứ nếu lấy ngân sách thành phố ra mà ăn chơi kiểu này thì thật tội cho người dân. Sau khi khánh thành thì dân chúng mới được vào xem hoa. Không biết những công trình vĩ đại này có kéo dài được 3 ngày Tết không vì hàng năm vẫn nghe báo chí than phiền là sau giao thừa thì các công trình tốn kém này đều tan tác và những người lao động về quê ăn Tết, lúc trở lại thì chẳng còn gì để coi. Từ khu Nguyễn Huệ đến khu "đường hoa Hàm Nghi", chúng tôi đi bộ qua khu chợ cũ. Ở đây, khuôn mặt Saigon vẫn như xưa, mọi người buôn bán hớt hải mong được nhiều thu nhập những ngày cuối năm.

image
Trong khi khu chợ cũ lam lũ thì khu thương xá Diamond, gần dinh Độc Lập cũ, lại là khu dành cho những người giàu sang thừa tiền. Vào thương xá Diamond, tôi có cảm tưởng mình đang ở Singapore hay khu Galeria của Houston. Hình như không ngoa mà nói rằng ở các thương xá hạng nhất của Mỹ có gì thì Diamond có cái đó và có thể còn hơn thế nữa. Mức thang khác biệt ở Saigon ngày nay quá xa, người tiêu không hết, người lần không ra. Hình như họ là hai giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Sáu giờ đồng hồ cho Saigon qua nhanh, đến lúc phải trở về tàu, tôi lần ra nhà Bưu Điện chờ xe. Những người bán hàng tíu tít bán đồ lưu niệm và quà vặt ngay bảng "Cấm Tụ Tập Mua Bán". Cảnh rao bán làm tôi nhớ lại trước 75, cũng có những người bán hàng như thế cho các quân nhân Mỹ, Phi, Đại Hàn, chẳng khác gì, dù hơn 40 năm trôi qua, ai nghèo vẫn nghèo. Một ông khách người Úc làm tôi đau lòng khi hỏi một cô gái bán hàng:"This price inludes the girl too, right?". Tại sao họ lại dám đùa cợt như vậy?

image
Đưa mắt lơ đãng nhìn, tôi sững sờ bắt gặp hình ảnh Mẹ tôi qua bà bán hàng rong bên thềm nhà Bưu Điện. Ngay sau khi bỏ hết gia sản ngoài Bắc di cư vào Nam tránh Cộng Sản năm 1954, mẹ tôi phải tần tảo bán hàng rong như thế để nuôi anh em tôi. Tôi đến mua một trái cóc dầm cho vợ tôi và dốc hết số tiền Việt Nam vào tay bà rồi vội vã lên xe trước khi bà đếm tiền.

image
Ngồi trên xe, tôi thẫn thờ nhìn bà già bán trái cóc đang đếm tiền mà lòng quặn đau. Sáu mươi năm qua, những bà mẹ Việt Nam vẫn phải chắt chiu chịu đựng như thế sao? Việt Nam đã thay đổi nhiều nhưng những người nghèo, thấp cổ bé miệng vẫn thế. Trên đường về lại du thuyền, tôi suy nghĩ rất nhiều về câu nói của người hướng dẫn khi anh nhắc đến "VC cũ" và "VC mới". Những người nghèo bán rong chạy cơm thì thuộc thành phần nào, trong cái hào nhoáng của thành phố mang tên "bác" của miền nam nước Việt, vào những ngày cận Tết, sau 40 năm đất nước hết chiến tranh?



Nguyễn Phục Hưng
Ngày 27 Tháng 3, 2015

No comments:

Post a Comment