ANH CU ĐA
Nguyễn Quang Lập
nhà văn nguyễn quang lập |
Anh
Đa lùn, đen, xấu. Anh Di nói cái mặt thằng Đa chành bành giống cái l.
trâu. Anh sống với mẹ già, sau mẹ chết anh ở một mình. Nhà nghèo quá,
24, 25 tuổi rồi hỏi cô nào cũng bị chê. Là con liệt sĩ, lại con một, anh
khỏi đi bộ đội. Con trai trong làng ai lớn đều đi bộ đội hết, còn lại
dăm ba anh tuổi như anh thôi, chỉ có anh là chưa vợ.
Mẹ
anh khóc lên khóc xuống , anh vẫn chẳng quan tâm đến chuyện vợ con. Cho
đến khi mẹ anh chết anh vẫn độc thân. Mình hỏi anh sao anh không lấy
vợ. Anh nói tao để vậy để đàn bà nó thèm.
Anh
nơm cá cực tài, cầm nơm úp nhoay nhoáy, hễ dừng lại mò là y như có một
con cá to. Nghe tiếng đóng thành nơm, anh biết chắc cá nhỏ hay to, ngon
hay dở để dừng lại bắt hay không. Chẳng bù cho mình, úp úp mò mò, tóm
lại chỉ vài con cá diếc, cá rô. Một lần úp nơm, bao giờ xâu cá của anh
cũng dài nhất, đầy những con cá ngon, đắt tiền. Mình dân Thị Trấn lên,
thấy thế thì thích lắm, bám theo anh suốt ngày.
Anh
chỉ làm hai việc: đi đập lúa thuê và nơm cá bán lấy tiền. Cứ mùa lúa là
anh đi đập lúa cho các gia đình có chồng con đi vắng, một đêm đập lúa
được trả vài lon gạo. Thế cũng đủ sống, lại được tiếng giúp đỡ gia đình
neo đơn.
Anh
không đoàn đội. Hồi này ai không đoàn đội bị coi như thanh niên chậm
tiến, con gái vì thế bụng thì chê nghèo nhưng miệng lại có cớ chê anh
chậm tiến. Ai bị chê chậm tiến thì sốt ruột lắm, phấn đấu như điên, anh
tỉnh bơ, không quan tâm.
Hội
họp cuộc nào anh cũng đến nhưng chỉ đứng sau nghe. Thanh niên làng
tranh nhau lên nói toàn từ sáo rỗng - lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi
đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v.. Anh cười hậc, é he một tiếng to
rồi phủi đít quần ra về.
Hôm
sau họp anh lại đến, lại đứng sau, lại nghe lý tưởng, hoài bão, tiên
tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu. v.v...Anh lại cười hậc, é
he một tiếng, phủi đít quần ra về.
Luôn luôn như thế.
Anh
Chư gặp mình nói Lập ngoan, học giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, đừng quan hệ
với thanh niên chậm tiến. Mình dạ dạ nhưng vẫn chơi với anh cu Đa như
thường. Đêm nào cũng vậy, con trai lớn chút trong làng đều đi đặt túm
bẫy lươn, câu cá cặm. Đặt đầu hôm, ba bốn giờ sáng thì đi thăm.
Một
đêm mình đi thăm túm lươn, hôm đó được nhiều, hơn chục con, mừng lắm hí
hửng xách oi về thì gặp anh Đa đi từ nhà chị Thơm ra. Mình hỏi, anh đi
mô ri? Anh nói, không.
Minh
thấy anh mặc cái áo bộ đội dài gần đến gối (anh lùn mà). Nghi nghi,
mình kéo vạt áo anh lên, chim cò phơi ra cả, hoá ra anh không mặc quần.
Mình ngạc nhiên nói, sao vào nhà người ta lại không mặc quần? Anh cười
phì một tiếng rồi bỏ đi. Nhà chị Thơm một mẹ một con, chồng "thoát li"
làm lấm nghiệp, thằng cu con chị mới hơn 4 tuổi. Mình nghi lắm.
Anh
Đa lại vào nhà chị Hà. Chị Hà có chồng hy sinh, vừa báo tử năm ngoái.
Chị vẫn say sưa sinh hoạt đoàn, biến đau thương thành hành động cách
mạng, hăng hái phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết
tâm, căm thù, phấn đấu.v.v. Bà con làng xóm khen lắm, vẫn nói với con
gái con dâu: đó, sang nhà con Hà mà coi.
Mình vào sau hồi nhà chị Hà. Tối quá không thấy gì, chỉ nghe chị kêu hệt như mèo kêu.
Mình
chặn anh Đa ở cổng nhà chị Hà, nói, em biết rồi nha. Anh Đa túm cổ áo
mình, nói, mi nói tao giết. Về sau, lần nào đi nơm anh vừa nơm suất của
anh, vừa nơm suất của mình. Mạ mình toàn khen thằng Lập dạo này nơm cá
giỏi. Hi hi.
Làng
Đông có chừng 4-5 trăm nóc nhà, hơn 1 trăm nóc là nhà hoặc là chồng
chết hoặc "thoát li", số còn lại bị ế thuộc diện "vườn không nhà trống".
Không biết anh Đa chui vào bao nhiêu nhà trong số 100 nóc nhà ấy, chỉ
biết suốt cuộc chiến tranh 1965-1975, tối nào cứ đến 3-4 giờ sáng anh Đa
lại mặc cái áo bộ đội dài đến đầu gối, không thèm mặc quần, đi hết nhà
này đến nhà kia, 5 giờ sáng thì về.
Mình hỏi, sao anh không mặc quần? Anh nói, mặc mần chi, cởi vô cởi ra mất thời giờ.
No comments:
Post a Comment