MỘT NGHI ÁN LỊCH SỬ NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ HỒ CHÍ MINH: MỘT HAY HAI NGƯỜI? – TRẦN BÌNH NAM
Ngày
14/1/2013 trang điện tử Thông Luận đăng một tài liệu nhan đề: “Hồ Chí
Minh Sinh Bình Khảo”của nhà biên khảo Hồ Tuấn Hùng người Đài Loan. Thái
Tuấn dịch ra Việt ngữ nhan đề “Tìm hiểu về cuộc đời của Hồ Chí Minh”
hoàn tất vào đầu năm 2013 . Trang điện tử Đối Thoại đăng ngày 16/2/2013.
Đọc qua cuốn sách dịch người ta tưởng là
chuyện dã sử nói chơi lúc trà dư tửu hậu. Nhưng đọc kỹ thì không phải
vậy. Cuốn sách của ông Hồ Tuấn Hùng viết một cách có phương pháp, trưng
dẫn tài liệu xác thực và kết luận một cách có tính khoa học. Danh nhân
lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của phong trào Cộng sản quốc
tế được biết dưới tên Nguyễn Ái Quốc và sau đó là Hồ Chí Minh vốn được
xem là một người thật ra là hai người khác nhau. Theo ông Hồ Tuấn Hùng
sự thật lịch sử là:
Ông Hồ Chí Minh, người được đảng Cộng sản
Việt Nam xem là “cha già dân tộc” là một người Tàu sinh năm 1901 thuộc
sắc tộc Khách Gia sinh tại huyện Miêu Lật, địa khu Đồng La, Đài Loan.
Trái lại, người có tên Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam sinh năm 1890
tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Tất
Thành. Năm 1911 ông trốn ra nước ngoài tìm đường chống ách thực dân
Pháp. Đến Pháp ông theo phong trào Cộng sản quốc tế và được Quốc tế Cộng
sản phái về hoạt động cho phong trào Cộng sản quốc tế tại Trung quốc và
đã chết vì bệnh lao năm 1932 tại Trung quốc hoặc tại một địa danh nào
đó giữa Trung quốc và Liên xô.
Sự thật ở đâu?
Nghi án lịch sử này bắt đầu với phong trào
Cộng sản tại Nga. Năm 1917 cuộc cách mạng Bôn Sê Vích (Bolshevik) tại
Nga thành công. Mạc Tư Khoa trở thành trung tâm lãnh đạo các đảng Cộng
sản tại Âu châu và là trung tâm thu hút các phong trào xã hội cấp tiến
trên thế giới, như phong trào chống phong kiến tại Trung quốc và phong
trào chống thuộc địa tại Đông Dương, Miến Điện, Mã Lai …. Trung quốc có
Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông, Việt Nam có Nguyễn Ái Quốc,
Miến Điện có ông Aung San (thân sinh của bà Aung San Suu Kyi).
Đảng Cộng sản Nga thấy được sự quan trọng của
mình cho thành lập Quốc tế Cộng sản (The Communist International –
Cominterm) để lãnh đạo phong trào Cộng sản trên toàn thế giới, nhất là Á
châu. Các phong trào có tính quốc gia như Trung quốc chống phong kiến,
Việt Nam chống thực dân Pháp và Miến Điện chống thực dân Anh dần dà đều
đặt mình dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản để có: (1) một chủ thuyết
hành động, và (2) được yểm trợ tài chánh.
Nguyễn Tất Thành từ Việt Nam đến Paris năm
1911 bằng nghề phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Trevil, theo tàu đến
Marseille, Tây phi, Bắc Mỹ, Anh quốc, mãi đến năm 1917 ông mới định cư
tại Paris. Ông lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và tích cực hoạt động chống ách
đô hộ của Pháp tại Việt Nam. Tại đây Nguyễn Ái Quốc làm quen với hai
nhà hoạt động cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Lúc đầu ông
là thành viên của đảng Xã hội Pháp. Sau đó, năm 1920 ông gia nhập đảng
Cộng sản Pháp. Ông bị cảnh sát Pháp phối hợp với mật thám tại Đông Dương
theo dõi rất kỹ. Giữa năm 1923 đảng Cộng sản Pháp gởi ông đi Nga học
chủ thuyết Mác Xít tại Đại học Lao động Phương đông chuẩn bị làm đặc
phái viên cho Quốc tế Cộng sản tại Á châu.
Giữa năm 1924 ông được tham gia Hội nghị V
của Quốc tế Cộng sản triệu tập tại Mạc Tư Khoa và cuối năm ông được gởi
về Quảng Châu (Canton), Trung quốc để làm việc với các đại diện Cộng sản
Á châu gồm Trung hoa, Nhật Bản, Đài Loan. Nguyễn Ái Quốc phụ tá cho
Michael Borodin, ủy viên lãnh đạo phân bộ Quốc tế Cộng sản Á châu. Tại
đây, năm 1925 Nguyễn Ái Quốc tập họp một số thanh niên từ Việt Nam trốn
qua thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đặt dưới sự
lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản.
Tháng 10 năm 1926 ông kết hôn với bà Tăng
Tuyết Minh do sự giới thiệu của bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai)
lúc đó đang hoạt động trong Hội Phụ nữ Quảng Châu. Đám cưới có sự hiện
diện của Borodin.
Thời kỳ này Quốc Dân Đảng của bác sĩ Tôn Dật
Tiên và đảng Cộng sản Trung quốc hợp tác với nhau (theo sách lược của
Quốc tế Cộng sản) nên Nguyễn Ái Quốc sống và làm việc thoải mái tại
Quảng Châu. Nhưng đến tháng 4/1927 liên minh Quốc Dân Đảng và Cộng sản
tan vỡ, Nguyễn Ái Quốc bị lùng bắt bỏ vợ chạy trốn về Mạc Tư Khoa chờ
lệnh và mất liên lạc với bà TăngTuyết Minh từ đó.Tại Mạc Tư Khoa ông
được Quốc tế Cộng sản gởi trở lại Paris và du hành công tác tại một số
nước Âu châu như Thụy Sĩ, Bĩ, Ý … Cuối năm 1928 từ Ý Nguyễn Ái Quốc đi
tàu thủy trở lại Á châu đến Bangkok tổ chức và vận động Việt Kiều Thái
Lan tham gia phong trào Cộng sản. Tại đây ông bị bệnh lao phổi phải ở
lại để chữa trị, đến đầu năm 1930 ông mới trở về Quảng châu do nhu cầu
kéo các phe nhóm cộng sản Đông Dương gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An
Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn đang bất hòa lại với
nhau.
Qua nhiều buổi họp dưới sự chủ trì của Nguyễn
Ái Quốc, ngày 3/2/1930 bảy đại biểu của 3 khuynh hướng đồng ý thành lập
Đảng Cộng Sản Việt Nam (sau theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản đổi tên
thành Đảng Cộng sản Đông Dương). Trong số 7 nhân vật thành lập đảng
ngoài Nguyễn Ái Quốc có Hồ Tập Chương thuộc đảng Cộng sản Trung quốc và
cũng là thành viên của Quốc tế Cộng sản. Hồ Tập Chương là nhân vật dính
liền với cuộc đời của Nguyễn Á Quốc sau này.
Năm 1931 Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại biểu
Quốc tế Cộng sản trụ sở đặt tại Hương Cảng, phụ trách Cục Nam Dương.
Thời gian này chính quyền Anh tại Hương Cảng bắt đầu hợp tác với Pháp
làm khó dễ những nhà cách mạng Việt Nam, và cục Quốc tế Cộng sản Viễn
Đông bị theo dõi.
Tại Việt Nam Pháp ghép Nguyễn Ái Quốc vào tội
phá họai trị an tuyên án tử hình vắng mặt và yêu cầu chính quyền Anh
dẫn độ. Ngày 6/6/1931 Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hương Cảng bắt. Quốc tế
Cộng sản thuê luật sư Frank Loseby một luật sư người Anh hành nghề tại
Hương Cảng bênh vực cho ông. Tòa Hương Cảng trục xuất Nguyễn Ái Quốc đi
Singapore. Nhưng Singapore không nhận, ông phải trở lại Hương Cảng và bị
kết tội nhập cảnh trái phép.
Luật sư Loseby đưa vụ kiện lên tòa cao ở Luân
Đôn. Tòa Luân Đôn phán quyết phóng thích và trục xuất ông ra khỏi Hương
Cảng đi đâu tùy ý. Luật sư Loseby gíup ông đi Thượng Hải để ông tìm
đường đi Mạc Tư Khoa trị bệnh. Nhưng giữa đường, khoảng mùa Thu năm 1932
hay đầu năm 1933 Nguyễn Ái Quốc chết vì bệnh lao tại một địa danh nào
đó trên đường đi.
Sự việc Nguyễn Ái Quốc qua đời được nhóm lưu học
sinh Việt Nam tại trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa ghi nhận. Họ
cử hành một lễ truy điệu và một phái viên Quốc tế Cộng sản có đến thăm
hỏi chia buồn.
Nhưng sau đó Quốc tế Cộng sản thầy cần người
có uy tín như Nguyễn Ái Quốc để phát triển phong trào Cộng sản tại Đông
Dương nên dấu nhẹm và tìm cách xóa dấu vết việc Nguyễn Ái Quốc chết và
lên kế hoạch dùng phái viên của Quốc tế Cộng sản Hồ Tập Chương có khuôn
mặt hao hao giống Nguyễn Ái Quốc và từng làm việc với nhau để làm sống
lại nhân vật Nguyễn Ái Quốc.
Hồ Tập Chương sinh ngày 11/10/1901 tại Đài
Loan thời kỳ Nhật chiếm đóng. Theo chương trình của Nhật ông học chữ
Nhật và chữ Hán. Năm 20 tuổi ông tốt nghiệp Đại Học Công Nghiệp Đài Loan
và mở tiệm bán thuốc Đông Y, dùng thì giờ còn lại kết hợp bạn bè,
nghiên cứu chủ nghĩa Cộng sản chống ách cai trị của Nhật .
Năm 1926 ông lập gia đình với bà Lâm Quế, năm
1929 có con gái đầu lòng là Hồ Tố Mai. Sau đó ông trốn đi Thượng Hải
gia nhập Đảng Cộng sản Trung quốc và trở thành một ủy viên của Quốc tế
Cộng sản. Cuối năm 1931 (hay đầu năm 1932) ông bị Quốc Dân Đảng bắt tại
Quảng châu. Sau khi được trả tự do ông được điều về hoạt động tại biên
giới Việt Trung và Thái Lan.
Năm 1933 Quốc tế Cộng sản gọi Hồ Tập Chương
về Mạc Tư Khoa điều tra về một công tác bị nghi ngờ trong năm 1930. Ban
điều tra gồm 3 người: Dmitry Manuilsky, Vera Vasilieva và Khang Sinh.
Khang Sinh cũng là đảng viên đảng Cộng sản Trung quốc phụ trách mật vụ.
Bà Vera Vasilieva đã bênh vực Hồ Tập Chương và ông khỏi bị án tử hình.
Trong quá trình điều tra, bà Vasilieva thấy
quá khứ của Hồ Tập Chương khá giống với quá khứ của Nguyễn Ái Quốc và
lại là người cùng với Nguyễn Ái Quốc thành lập đảng Cộng sản Đông Dương
nên nảy ra sáng kiến và đề nghị với Quốc tế Cộng sản dùng Hồ Tập Chương
thay thế Nguyễn Ái Quốc. Cũng có giả thuyết rằng Quốc tế Cộng sản đã có
kế hoạch thay thế rồi và việc gọi Hồ Tập Chương đến Mạc Tư Khoa điều tra
là một phần của kế hoạch thay thế.
Một chương trình 2 điểm được thực hiện: (1)
huấn luyện Hồ Tập Chương để thay thế nhân thân Nguyễn Ái Quốc. Chương
trình huấn luyện này kéo dài 5 năm từ 1933 đến 1938 tại trường Đại Học
Lenin chuyên nghiên cứu vấn đề dân tộc và chủ nghĩa thực dân thuộc
chuyên ngành của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời học những tập quán thói quen
của Nguyễn Ái Quốc, và các ngôn ngữ Nguyễn Ái Quốc thông thạo như Việt
ngữ, Pháp và Anh Ngữ. (2) Ngụy tạo sự việc để che dấu cái chết của
Nguyễn Ái Quốc cho rằng cái tin chết trước đây chỉ là cái cớ để Nguyễn
Ái Quốc dễ trốn tránh.
Thời gian này Hồ Tập Chương không được liên
lạc với gia đình và thân nhân ở Đài Loan nghĩ rằng ông đã chết. Năm 1938
sau khi chương trình huấn luyện hoàn tất, Hồ Tập Chương mang bí danh Hồ
Quang được gởi về Trung quốc hoạt động dưới danh phận Nguyễn Ái Quốc
tái sinh.
Lúc này lực lượng của Mao Trạch Đông sau cuộc
Vạn lý Trường chinh (1934-1935) thành công, đã an toàn ở Diên An và Mao
Trạch Đông không muốn bị ràng buộc chặt chẽ với Quốc tế cộng sản như
trước. Đó là lý do tại sao Hồ Quang thay vì đi thẳng về Quảng Tây để
chuẩn bị cho công tác Đông Dương lại được Quốc tế Cộng sản gởi về Diên
An để (theo một giả thuyết) truyền lệnh của Quốc tế cộng sản và trao đổi
chương trình hoạt động. Theo quan điểm của Quốc tế cộng sản nhu cầu
liên minh với Quốc Dân Đảng để chống Nhật vẫn còn là một nhu cầu cấp
thiết.
Việc Hồ Tập Chương thay thế Nguyễn Ái Quốc
phục vụ cho quyền lợi của Quốc tế Cộng sản, cho đảng Cộng sản Trung quốc
và cho đảng Cộng sản Việt Nam nên các tổ chức đều chọn thái độ im lặng.
Quốc tế Cộng sản có một cán bộ uy tín dưới lốt Nguyễn Ái Quốc để phát
triển chủ nghĩa Cộng sản tại Á châu và Đông Nam Á. Trung quốc có người
của mình trong đảng Cộng sản Việt Nam. Còn đảng Cộng sản Việt Nam thì có
người lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Pháp lúc này đang là lúc
thuận lợi hơn lúc nào hết do Mặt Trận Bình Dân đang cầm quyền tại Pháp
(1936- 1938).
Đến Diên An, Hồ Quang trao mật lệnh của Quốc
tế Cộng sản cho Mao Trạch Đông là cần tiếp tục hợp tác với Tưởng giới
Thạch trong một mặt trận chống Nhật Bản. Sau đó đảng cộng sản Trung quốc
đưa Hồ Quang về Quảng Tây.
Về Quế Lâm, Hồ Quang làm việc cho Bát lộ quân
dưới quyền của tướng Lý Khắc Nông chuẩn bị cho công tác Đông Dương.
Thời gian này Hồ Quang theo học khóa đào tạo cán bộ du kích chiến của
Mao Trạch Đông và hoàn tất trong năm 1939.
Tháng 2/1940 Hồ Quang đi Côn Minh và qua đảng
Cộng sản Trung quốc đã liên lạc được với Đảng bộ hải ngoại vừa được
thành lập của đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1940 khi gặp một số cán
bộ từ Việt Nam mới qua trong đó có Võ Nguyên Giáp (Giáp rời nước tháng
5/1940) Hồ Quang được giới thiệu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm mọi
người rất phấn khởi vì đã gặp được lãnh tụ! Hồ Quang định gởi Võ Nguyên
Giáp và Hoàng Văn Hoan lên Diên An học tập chủ thuyết Cộng sản và chương
trình kháng Nhật, một chương trình do Khang Sinh phụ trách.
Trong khi chờ đợi thì tình hình Âu châu biến
chuyển. Tháng 6/1940 Đức quốc xã chiếm Paris. Toàn quyền Decoux tại Đông
Dương đặt mình dưới quyền của chính phủ Vichy do Thống chế Pétain lãnh
đạo hợp tác với Đức. Nhật vốn liên minh với Đức nên buộc lòng Decoux
phải để cho quân đội Nhật vào Đông Dương.
Hồ Quang thấy tình hình thuận lợi vì Pháp đã
núng thế nên hủy bỏ việc gởi Hoàng Văn Hoan và Võ Nguyên Giáp đi học và
chuyển toàn bộ nhân sự và phương tiện về sát biên giới chuẩn bị lập
chiến khu trong nước, đồng thời tháng 12/1940 Hồ Quang thành lập một
ngoại vi của đảng hoạt động công khai gọi là “Việt Nam độc lập đồng minh
hội”, gọi tắc là Việt Minh để quy tụ quần chúng chuẩn bị phát động du
kích chiến vừa chống thực dân Pháp vừa chống phát xít Nhật.
Tháng 2 năm 1941 Hồ Quang chính thức trở về
Việt Nam sống tại hang Pắc Bó, một hang núi nằm phía bắc cách thành phố
Cao Bằng 55 km gần biên giới Trung quốc. Tháng 5, Hồ Quang triệu tập Hội
nghị VIII Đảng Cộng sản Đông Dương ra quyết nghị thành lập và phát
triển căn cứ địa du kích, chung quyết sự thành lập “Mặt trận Việt Minh”
và do đề nghị của Hồ Quang bầu Trường Chinh làm Tổng bí thư Đảng. Mặt
Trận “Việt Minh” thông qua Cương Lĩnh quy định mục tiêu lật đổ thực dân
Pháp và phát xít Nhật, thành lập Chính phủ cách mạng của nhà nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ.
Tháng 8/1942 Hồ Quang rời Pắc Bó đi Trùng
Khánh để gặp Chu Ân Lai. Đế tránh sự theo dõi của Quốc Dân Đảng, Hồ
Quang đóng vai Hoa kiều, lấy tên là Hồ Chí Minh, ký giả của báo Tân Văn.
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc dùng danh xưng Hồ Chí Minh trong
giấy tờ.
Trên đường Hồ Chí Minh bị Quốc Dân Đảng nghi
là gián điệp bắt và đưa về Quảng Tây. Nhờ có cuộc vận động rộng lớn của
Chu Ân Lai với sự yểm trợ của các hãng thông tấn quốc tế bên cạnh chính
phủ Quốc Dân Đảng, tháng 9/1943 Hồ Chí Minh được trả tự do.
Trong 14 tháng bị giam giữ ông Hồ Chí Minh đã
trải qua 18 nhà tù trong 13 huyện tại tỉnh Quảng Tây. Thời gian này Hồ
Chí Minh viết “Ngục Trung thư” gồm 134 bài thơ bằng chữ Hán.
Sau khi được trả tự do, Hồ Chí Minh tạm trú
tại Trung quốc dưới sự bảo hộ của tướng Trương Phát Khuê, một danh tướng
của Trung hoa Dân quốc. Mãi đến tháng 8/1944 ông mới trở về Cao Bằng.
Ngày 15/8/1945 Nhật đầu hàng đồng minh, Hồ
Chí Minh cùng với các đồng chí nhanh chân chiếm chính quyền ngày 19/8
trước khi quân đội đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật. Ngày
2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình Hồ Chí Minh, được toàn dân và thế giới
tưởng là người thanh niên Nguyễn Ái Quốc năm xưa, tuyên bố thành lập
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Cuộc đời hai người làm một của Nguyễn Ái Quốc
và Hồ Tập Chương (Hồ Chí Minh) là một phát hiện lịch sử ly kỳ. Nhưng
nếu nhìn dưới lăng kính thế giới, đặc biệt là lịch sử phát triển của chủ
nghĩa cộng sản và phong trào xã hội chống phong kiến và thực dân tại Á
châu thì không có gì ly kỳ.
Lịch sử Âu châu cho chúng ta nhiều tiền
lệ. Hôn nhân giữa con cái vua chúa nước này với vua chúa nước khác đưa
đến việc người nước này làm vua nước kia không phải là chuyện hiếm.
Người dân Âu châu không xem đó là chuyện lạ. Tại Á châu, Quốc tế Cộng
sản lãnh đạo phong trào xã hội và chống đế quốc, việc dùng cán bộ người
nước này lãnh đạo phong trào đấu tranh của nước khác cũng chỉ là một
cách sắp xếp công việc của một tổ chức cách mạng quốc tế. Nguyễn Ái Quốc
(người Việt Nam) chết, Quốc tế Cộng sản dùng Hồ Tập Chương (người Tàu)
thay Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ là nhu cầu phát triển chủ nghĩa.
Lịch sử sẽ đi qua không ai quan tâm nếu Hồ
Chí Minh không nổi bật trong lịch sử thế giới với sự thắng trận tại Điện
biên Phủ chấm dứt chế độ cai trị của Pháp tại Đông Dương và nhất là vai
trò của ông trong cuộc chiến tranh 1954-1975 thắng Hoa Kỳ và thống nhất
Việt Nam dưới chế độ Cộng sản.
Còn nữa, mối quan hệ đặc biệt gữa Trung quốc
và Việt Nam trong suốt hai ngàn năm lịch sử, qua đó Việt Nam liên tục
đấu tranh để giữ gìn bản thể và nền độc lập của mình, và hiện nay mối
quan hệ càng tế nhị hơn nữa khi Trung quốc đang dần trở thành một siêu
cường tranh chấp ảnh hưỏng quốc tế với Hoa Kỳ trên một địa lý Việt Nam
đang nằm ở giữa làm cho nghi án “một người Hoa dưới lốt một người Việt”
từng lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Việt Nam và được đảng Cộng sản
Việt Nam tôn vinh là “cha già dân tộc” trở thành hết sức cấn cái .
Các biến chuyển lịch sử tại Việt Nam trong
thế kỷ 20 làm cho Hồ Chí Minh trở thành một đối tượng lý thú đối với các
sử gia cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Và các nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đều vấp
phải một điều là: lịch sử của người thanh niên tên là Nguyễn Tất Thành,
người Nghệ an, sinh năm 1890, năm 21 tuổi xuống tàu đi Pháp tìm đường
chống Pháp giành độc lập, tham gia phong trào Cộng sản quốc tế, lãnh đạo
thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành chủ tịch Hồ Chí
Minh, mất ngày 2/9/1969, sáu năm trước khi các đồng chí của ông hoàn
tất cuộc cách mạng vô sản thống nhất đất nước dưới một chính quyền Cộng
sản không phải là một lịch sử đơn giản.
Có quá nhiều nghi vấn. Năm 2000, giáo sư
William J. Duiker người Mỹ xuất bản cuốn “Ho Chi Minh: A life” (Hồ Chí
Minh: Một cuộc đời). Năm 2003 bà Sophie Quinn-Judge, người Anh xuất bản
cuốn “Ho Chi Minh: The Missing Years 1919-1941” (Hồ Chí Minh: Những năm
tháng 1919-1941 không có dữ liệu). Cả hai đều đồng ý rằng: cuộc đời của
Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh có quá nhiều bóng mờ chưa thể soi sáng được.
Bóng mờ phủ lên trên quá trình đấu tranh của ông, bóng mờ trên tình
duyên, bóng mờ trên các sáng tác, bóng mờ trong quan hệ đối với gia đình
…
Có thể bà Quinn-Judge có mối hoài nghi Nguyễn
Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người. Nhưng vốn cẩn trọng bà không thể
kết luận gì khi chưa có dữ kiện chắc chắn trong tay. Bà đã lặn lội đến
Mạc Tư Khoa lục lọi kho tài liệu của Quốc tế Cộng sản được giải mật sau
khi Liên bang Xô viết sụp đổ để tìm biết quan hệ thật sự giữa Quốc tế
Cộng sản và Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Ái Quốc đã làm gì tại Nga trong
những năm tháng ở đó: 1924-1925 và 1933-1938. Bà cho biết hồ sơ của Quốc
tế Cộng sản chỉ được giải mật một phần nên bà không tìm được câu trả
lời điều bà muốn truy cứu. Tại Aix-en-Provence, miền nam nước Pháp, nơi
lưu trữ hồ sơ thuộc địa của Pháp bà tìm thấy nhiều tài liệu ghi tin tức
nghi ngờ liên quan đến cái chết của Nguyễn Ái Quốc năm 1932, nhưng cảnh
sát Pháp không quả quyết. Và Pháp vẫn để mở vấn đề Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí
Minh mà không có một kết luận dứt khoát.
Trong ba nơi tồn trữ hồ sơ về Nguyễn Ái
Quốc/Hồ Chí Minh thì ngoài Liên bang Xô viết, có lẽ hồ sơ của đảng Cộng
sản Trung quốc là đầy đủ nhất. Nhưng Trung quốc chưa mở hồ sơ.
Riêng Việt Nam thì vụ Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí
Minh là một điều hoàn toàn bí ẩn. Chẳng những không được lưu trữ mà còn
có nỗ lực xóa dấu vết lịch sử như cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của
Trần Lan đăng tải trên 88 số Nhân Dân Nhật báo (từ số 2006 đến số 2094)
trong năm 1961.Nếu có một số đồng chí của ông Hồ Chí Minh biết thì họ
cũng đã lần lượt qua đời.
Các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh nhìn đâu cũng
thấy bóng mờ vì cho đến đầu thế kỷ 21 không có dữ kiện gì để họ nghi ngờ
Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người.
Nhưng nếu giả thuyết đó là hai nhân vật khác
nhau đóng chung một tuồng thì cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh
không còn có bóng mờ, không có gì là bí hiểm. Tài liệu “Hồ Chí Minh Sinh
Bình Khảo” của nhà biên khảo Hồ Tuấn Hùng người Đài Loan, Thái Tuấn
dịch ra Việt ngữ nhan đề “Tìm hiểu về cuộc đời của Hồ Chí Minh” hoàn tất
vào đầu năm 2013 như đã giới thiệu trên đã giúp giải mã một số bí ẩn về
Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh:
Cuộc tình giữa Nguyễn Ái Quốc và Tăng Tuyết Minh
Năm 1924 Nguyễn Ái Quốc từ Mạc Tư Khoa về
hoạt động tại Quảng Châu làm việc cho Michael Borodin, ủy viên Quốc tế
Cộng sản phụ trách Á châu. Không khí Quảng Châu thập niên 1920 là một
không khí cách mạng trong phong trào Tôn Dật Tiên và phong trào Cộng sản
quốc tế.
Tăng Tuyết minh là một phụ nữ Trung quốc trẻ
tuổi cấp tiến gần gũi với các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) và Thái
Sướng (vợ một đồng chí của Chu Ân Lai) trong hội “Phụ nữ” do Cộng sản tổ
chức. Nguyễn Ái Quốc thường lui tới hội này và quen biết với Tăng Tuyết
Minh. Do sự giới thiệu của bà Đặng Dĩnh Siêu, năm 1926 Nguyễn Ái Quốc
(36 tuổi) kết hôn với Tăng Tuyết Minh (21 tuổi) và được tạm trú trong
căn gác nhà của Borodin.
Đầu tháng 4/1927 sự hợp tác Quốc-Cộng đầu
tiên tan vỡ. Bị lùng bắt Nguyễn Ái Quốc bỏ Quảng Châu cùng phái đoàn
Quốc tế Cộng sản chạy trốn lên Thượng Hải rồi sau đó đi Mạc Tư Khoa. Bà
Tăng Tuyết Minh mang thai nhưng theo lời khuyên của mẹ phá thai để tránh
liên hệ với Nguyễn Ái Quốc trong không khí khủng bố và thanh trừng các
thành phần Cộng sản của Tưởng Giới Thạch. Từ đó không có quan hệ giữa
hai người và mối tình ngắn ngủi giữa hai người xem như chấm dứt. Năm
1931 Nguyễn Ái Quốc chết bà Tăng Ttuyết Minh không hề hay biết, bà vẫn
chung thủy ở vậy suốt đời và qua đời năm 1991.
Năm 1949 Mao chiếm lục địa. Ngày 19/5/1950 bà
Tăng Tuyết Minh đọc báo thấy Chủ tịch Mao Trạch Đông chúc mừng sinh
nhật thứ 60 của Hồ Chí Minh/Nguyễn Ái Quốc (lúc đó đang ở chiến khu Việt
Bắc) tưởng rằng chồng cũ của mình còn sống. Bà tìm cách hỏi đại sứ
Hoàng Văn Hoan tại tòa đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh và chính quyền Trung
quốc để xin liên lạc với chồng nhưng cả hai nơi đều im lặng. Lý do đơn
giản là Hoàng Văn Hoan và chính quyền Trung quốc đều biết Hồ Chí Minh ở
Việt Bắc không phải là Nguyễn Ái Quốc, chồng cũ của bà.
Năm 1956 sau Hiệp Định Geneve, Hồ Chí Minh
trở về Hà nội. Tại Quảng Châu có phong trào “đại minh, đại phóng” phong
trào phụ nữ Quảng châu đặt vấn đề “trinh tiết” của bà Tăng Tuyết Minh.
Lời khai của bà tăng Tuyết Minh không thuyết phục. Chính quyền Quảng
Châu gởi văn thư lên Hội phụ nữ (lúc đó do bà Thái Sướng làm Chủ tịch)
hỏi ý kiến. Bà Thái Sướng gởi văn thư giải thích sự việc và yêu cầu ỉm
việc này vì quan hệ tế nhị giữa hai nước Việt – Trung.
Về phần Hồ Chí Minh, ông chưa một lần thắc
mắc về sự sống chết của Tăng Tuyết Minh. Người ta bảo ông vô tình. Nhưng
ông không vô tình . Ông mang lốt Nguyễn Ái Quốc, nhưng ông biết ông
không phải là người chồng xưa của Tăng Tuyết Minh.
Quan hệ tình ái giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn thị Minh Khai
Chạy trốn Quốc Dân Đảng về đến Mạc Tư Khoa
năm 1927, Nguyễn Ái Quốc được gởi đi công tác tại một số nước Âu châu và
Thái Lan. Năm 1930 Nguyễn Ái Quốc trở về Hương Cảng dàn xếp sự bất hòa
giữa các khuynh hướng Cộng sản Việt Nam, và thành lập đảng Cộng sản Đông
Dương ngày 2/3/1930. Từ đó đến đầu năm 1931 Nguyễn Ái Quốc làm việc tại
Hương Cảng với bí danh P.C. Lin và gặp Nguyễn Thị Minh Khai.
Quan hệ tình cảm phát triển và hai người
(theo một giả thuyết) đã sống với nhau như vợ chồng với sự đồng ý ngầm
của các đồng chí. Tháng 4/1932 Minh Khai bị cảnh sát Hương Cảng bắt, và 2
tháng sau Nguyễn Ái Quốc cũng bị bắt nốt. Nguyễn Ái Quốc sau đó bị tòa
án Luân Đôn trục xuất ra khỏi Hương Cảng. Ông chết vì bệnh lao trên
đường đi Mạc Tư Khoa. Riêng bà Minh Khai bị giam 3 năm cho đến năm 1935
mới được trả tự do. Với quan hệ giữa bà và Nguyễn Ái Quốc hai nhân vật
quan trọng của đảng Cộng sản Việt Nam, việc bà biết Nguyễn Ái Quốc chết
có thể xem là một việc đương nhiên.
Năm 1935 bà cùng hai Ủy viên khác của đảng
Cộng sản Đông Dương là Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nộn đi Mạc Tư Khoa
tham dự hội nghị Quốc tế Cộng sản lần thứ 7. Lúc đó tại Mạc Tư Khoa, Hồ
Tập Chương với chức danh Bí thư của Cục Viễn Đông Quốc tế Cộng sản đang
học tập để chuẩn bị đóng vai Nguyễn Ái Quốc. Hồ Tập Chương được giới
thiệu với bí danh P.C.Lin và tham dự Hội nghị VII với tư cách quan sát
viên.
Trong hồ sơ tham dự đại hội VII bà Minh Khai
khai đã có chồng là P.C. Lin. Dù có một P.C. Lin tại đại hội, nhưng Minh
Khai biết không phải là chồng của mình. Bà phát triển tình cảm với Lê
Hồng Phong và làm lễ cưới nhau tại Mạc Tư Khoa trước mắt P.C. Lin (Hồ
Tập Chương) là một việc tự nhiên. Dư luận thắc mắc về hôn nhân giữa Lê
Hồng Phong và Minh Khai cho rằng Nguyễn Ái Quốc từng yêu bà Minh Khai là
cướp vợ của bạn, và Nguyễn Thị Minh Khai không chung thủy vì thành hôn
với Lê Hồng Phong với sự hiện diện của P.C. Lin. Và mối tình tay ba này
không thể giải thích được nếu P.C. Lin ở Mạc Tư Khoa năm 1935 không phải
là Hồ Tập Chương mà là Nguyễn Ái Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm họ hàng ở Nghệ An
Năm 1945 khi Hồ Chí Minh (được thế giới xem
là Nguyễn Ái Quốc) tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại
Hà Nội thì người anh Nguyễn Sinh Khiêm và bà chị ruột là Nguyễn Thị
Thanh có ra Hà Nội thăm. Nhưng hình như đảng Cộng sản lấy lý do “Bác”
còn việc nước đa sự không tiện gặp. Và đã không có một ghi chép hay một
hình ảnh nào còn lưu lại về cuộc thăm viếng này. Điều này dễ hiểu vì Hồ
Chí Minh không thể gặp ông Khiêm và bà Thanh mà không lộ hình tích.
Mãi đến tháng 6/1957 sau khi song thân Nguyễn
Ái Quốc đã chết, người anh và người chị đều đã qua đời (ông Khiêm năm
1950, bà Thanh năm 1954) ông Hồ Chí Minh mới về Nam Đàn thăm bà con. Lúc
nầy trong gia tộc chỉ còn những người còn quá nhỏ khi ông bỏ nước ra đi
để có thể phân biệt Nguyễn Tất Thành và “bác” Hồ Chí Minh .
Về tài liệu gọi là loạt bài “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của Trần Lan
Trần
Lan theo dư luận cũng chính là Hồ Chí Minh, một phụ nữ ông có mối quan
hệ thân tình. Tài liệu này đăng trên nhiều số Nhật Báo Nhân Dân trong
năm 1961 nói về cuộc đời làm cách mạng của mình từ khi bỏ nước ra đi năm
1911 làm dư luận rất ngạc nhiên. Ông Hồ Chí Minh lúc đó đã nổi tiếng
toàn thế giới, ông không có nhu cầu mang tên một người khác để viết báo
ca tụng mình.
Hơn nữa tài liệu đó cũng không ca tụng gì Hồ
Chí Minh nhiều, mà chỉ ghi lại câu chuyện “Bác” kể lại cho đoàn tùy tùng
tháp tùng ông từ Phủ Chủ tịch ở Tuyên Quang vượt rừng vượt núi đi quan
sát chiến dịch biên giới năm 1950 với mục đích chứng minh “Bác” và
Nguyễn Ái Quốc là một người. Nhưng một số chi tiết trong câu chuyện lại
vô tình chứng minh “bác” không thể là Nguyễn Ái Quốc
“Bác” kể lại chuyện bác là Nguyễn Tất Thành,
Nguyễn Ái Quốc đi Pháp hoạt động như thế nào một cách liên tục cho đến
năm 1950 lúc bác đang đi chiến dịch biên giới. Nhưng trong câu chuyện
người thuật chuyện là Trần Lan không nói trong thời gian 1933 đến 1938
bác làm gì ở Mạc tư Khoa. Thời gian tế nhị này không có gì để nói vì
Nguyễn Ái Quốc vừa chết và Quốc tế Cộng sản đang cải tạo Hồ Tập Chương
đóng vai Nguyễn Ái Quốc. Dùng người khác thay mình thuật chuyện ông Hồ
có ẩn ý nói ông có kể nhưng (có thể) người thuật chuyện không ghi lại
thôi.
Một nơi khác khác trong tài liệu “Vừa đi vừa
kể chuyện” ông Hồ Chí Minh nói năm 1942 khi từ Việt Bắc đi Trung quốc
ông bị bắt. Ông kể ông đã lợi dụng sự tiếp xúc với tù nhân để học tiếng
Quan thọai. Thế nhưng dấu đầu lòi đuôi, trong thời gian 14 tháng ở tù
ông đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán mà chỉ những người tinh thông
chữ Hán mới làm nổi.
Về tập “Ngục Trung Nhật Ký”
Chính quyền đảng Cộng sản Việt Nam đã làm ầm ĩ
tập thơ ‘Ngục Trung Nhật Ký’” còn gọi là “Nhật ký trong tù” gồm 134 bài
thơ bằng chữ Hán ông Hồ Chí Minh làm trong thời gian (1942) ông bị Quốc
Dân Đảng bắt tại QuảngTây để quảng bá văn tài của “Bác” .
Tháng 5/1960 nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội
cho xuất bản tập “Nhật Ký trong tù” gồm 100 bài thơ dịch ra Việt ngữ.
Chính phủ Trung quốc cũng cho in lại phần chữ Hán dưới nhan đề “Nhật
Trung Nhật ký thi sao”. Cuối năm 1977 Viện Văn học Việt Nam cho lập một
tiểu tổ nghiên cứu và bổ túc Nhật ký. Năm 1983 nhà Xuất bản Văn Học cho
in 113 bài. Đến tháng 5/1990 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật Hồ Chí Minh,
nhà Xuất bản Văn Học bổ túc thêm 21 bài tổng cộng 134 bài.
Theo một đề án phân tích thơ văn của giáo sư
Hoàng Tranh ở Quảng Tây năm 1992 thì một số thơ trong “Nhật ký trong tù”
dùng từ ngữ và phương ngôn thuộc sắc tộc “Khách Gia” được chuyển hóa ra
Trung Văn một cách nhuần nhuyễn và nghệ thuật. Tác giả không thể là
Nguyễn Ái Quốc vì Nguyễn Ái Quốc không thể giỏi Hán văn như vậy, chưa
nói việc làm sao ông nắm vững ngôn từ của sắc tộc Khách gia ở Đài Loan.
Qua “Nhật ký trong tù” đảng Cộng sản Việt Nam muốn quảng bá trí tuệ và
văn tài của Hồ Chí Minh, nhưng vô tình đã làm lộ Hồ Chí Minh không phải
là Nguyễn Ái Quốc.
Thời gian đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều nỗ lực chứng minh Hồ Chi” Minh là Nguyễn Ái Quốc
Thời gian này đều rơi vào thập niên 1950-1960
sau khi ký Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, và Hồ Chí Minh đã trở về
Hà Nội với tư cách Chủ tịch đảng và nhà nước Việt Nam:
(1) Năm 1957 lần đầu tiên Hồ Chí Minh trở về thăm quê nhà ở Nam Đàn
(2) Năm 1961 Nhân Dân Nhật Báo đăng tải loạt bài “Vừa đi đường vừa kể chuyện”.
(3) Năm 1960 Hồ Chí Minh cho mời vợ chồng
luật sư Frank Loseby người đã cứu Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù Anh quốc
ở Hương Cảng năm 1931 tới Hà Nội. Luật sư Loseby qua tin tức tưởng
Nguyễn Ái Quốc đã chết. Nhưng thông tin truyền miệng của đảng Cộng sản
Việt Nam cho thấy đó chỉ là tin bịa đặt để ông có thể chạy trốn khỏi
Hương Cảng. Và luật sư Loseby không có lý do gì để không tin. Dạng hình
Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh khác nhau chút ít thì luật sư cũng nghĩ do
thời gian cách biệt 28 năm. Lúc đó luật sư Loseby đã 80 tuổi. Hơn nữa
đối với người Tây Phương người Á châu nào trông cũng giống nhau khó phân
biệt (năm 1946 Hồ Chí Minh đến Paris dự hội nghị Fontainebleau nhận là
Nguyễn Ái Quốc cũng không người Pháp nào từng biết Nguyễn Ái Quốc của
những năm 1919, 1920 thắc mắc có thể cũng vì vậy)
Người ta có thể đặt giả thuyết rằng trong
thời gian đấu tranh cách mạng dưới sự chỉ đạo và nhờ vả Quốc tế Cộng sản
qua trung gian Liên bang Xô viết và Trung quốc, đảng Cộng sản Việt Nam
và đàn em thân tín chung quanh Hồ Chí Minh chưa quan tâm đến nhân thân
của Hồ Chí Minh là một người Hoa và không phải là Nguyễn Ái Quốc.
Nhưng sau Hiệp Định Geneve, cuộc đấu tranh
chống Pháp xem như đã thành công, một chính quyền đã được thiết lập tại
Hà Nội. Việc Hồ Chí Minh, một người Đài Loan làm chủ tịch nước trở thành
cấn cái cho Đảng và cho chính cá nhân Hồ Chí Minh. Cho nên đảng Cộng
sản Việt Nam, đảng Cộng sản Trung quốc và cá nhân Hồ Chí Minh có nhu cầu
chứng minh Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc là một.
Cuốn sách “Tìm hiểu
về cuộc đời của Hồ Chí Minh” của Hồ Tuấn Hùng với lối sưu tầm khoa học
dẫn chứng đầy đủ và khả tín bắt đầu vén hẵn lên bức màn che đậy lai lịch
của Hồ Chí Minh.
Tại sao lại chọn lúc này?
Vấn đề đặt ra là sự thật này ảnh hưởng thế
nào đến cuộc tranh chấp biển đảo hiện nay giữa Trung quốc và Việt Nam.
Cuốn sách bằng Hoa Ngữ của ông Hồ Tuấn Hùng do nhà xuất bản “Bạch Tượng
Văn Hóa” xuất bản tại Đài Loan tháng 11/2008 là thời điểm quan hệ giữa
Trung quốc và Việt Nam bề ngoài “16 chữ vàng” và “4 tốt”, nhưng bên
trong bắt đầu trở nên căng thẳng./.
© Trần Bình Nam
Feb. 26, 2013
---------------------------
binhnam@sbcglobal.net
http://www.tranbinhnam.comTài liệu tham khảo:
1.“Tìm
hiểu về cuộc đời của Hồ Chí Minh” bản dịch Việt ngữ của Thái Tuấn
(2013) cuốn “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” bằng Hán văn của Hồ Tuấn Hùng
(2003)
2.“Ho Chi Minh: A Life” của William J. Duiker (2000)
3.“Ho Chi Minh: The Missing Years 1919-1941” của Sophie Quinn-Judge (2003)
4.“Vừa đi đường vừa kể chuyện” của Trần Dân Tiên (1961)
5.Hình Nguyễn Ái Quốc/J.C.Lin trích từ cuốn “Ho Chi Minh: A Life” của William J. Duiker.
No comments:
Post a Comment