Tài đóng kịch của Hồ Chí Minh dưới mắt học giả Tây phương
Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược:
Hồ Chí Minh, lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam, có tiếng về
tài đóng kịch và những xảo thuật lừa đảo. Nhiều học giả Tây
phương viết về chuyện đó từ hơn 40 năm nay. Jean Lacouture mô tả
Hồ là một người tự đạo diễn và đóng kịch. Mieczyslaw Maneli
coi chuyện Hồ khóc lóc là một thủ thuật rẻ tiền. Màn trình
diễn điển hình là cách Hồ hành xử trong chương trình cải cách
ruộng đất vào những năm 1950. Hồ kết tội bà Năm Cát Hanh Long
tội giết người trong một bài báo viết dưới bút hiệu, nhưng sau
đó đóng kịch như thể ông ta không biết gì về bà khi được biết
là bà bị xử tử chết. Năm 1956, Hồ công khai thừa nhận sai lầm
trong cuộc cải cách điền địa. William Duiker tin rằng sự nhìn
nhận này được thúc đẩy bởi chỉ thị về thực hành tự phê bình
của Khrushchev trong bài diễn văn tố cáo Stalin. Trong lúc đọc
diễn văn, Hồ có dịp trổ tài đóng kịch bằng cách tuôn nước
mắt cá sấu.
***
Nhiều học
giả Tây phương biết rõ khả năng đóng kịch với ý định lừa dối
của Hồ. "Gian dối là nền tảng trong sự nghiệp Hồ Chí Minh và đảng ông
ta" (Blum 1982, 218). Hồ có khả năng hèn nhát (Brocheux 2007, 159); ông
ta có tài cải trang và nói láo (sđd., 137). "Hồ Chí Minh
là một tên lừa đảo xuất chúng, suốt đời giả bộ là một người
hoàn toàn ngược lại con người thực sự của ông ta" (Nixon 1986,
32). Hơn 40 năm trước đây, Jean Lacouture, một học giả Pháp, phóng
viên, sử gia, và tác giả nhiều sách tiểu sử về các lãnh tụ
thế giới, viết một sách về Hồ năm 1968 với những lời phê bình
sắc bén về cá tính Hồ. Mieczyslaw Maneli, đại biểu cộng sản
Ba Lan trong Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế (UBGSQT) tại Việt Nam, cố
vấn luật và chính trị trong năm 1954-1955, và trưởng phái đoàn
trong năm 1963-1964, xuất bản một sách vào năm 1971 về kinh
nghiệm của ông tại Việt Nam với nhiều đoạn văn về Hồ.
Jean Lacouture
là cảm tình viên cộng sản trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Là nhà báo, Lacouture có nhiều dịp gặp gỡ Hồ, phỏng vấn ông
ta, và tương tác với những người khác có kiến thức riêng tư về
Hồ. Là người quan sát tinh tế, Lacouture (1968, 217) mô tả Hồ
là một nhà sản xuất phim kịch chuyên nghiệp. "Ông ta lúc nào
cũng dàn dựng sân khấu cho chính ông ta, lúc nào cũng nhìn mọi
tình trạng với mắt người sản xuất phim kịch." Lacouture kể
một chuyện tiêu biểu cho tài đóng kịch của Hồ. Khi Hồ tới
Pháp năm 1946, ông ta được mời tới tòa Đô chính. "Ban đầu ông ta
từ chối mọi thức ăn thức uống, nhưng sau đó ông ta đổi ý, lựa
một trái táo đẹp, bỏ vào túi và, trước tia nhìn kinh ngạc
của Chủ tịch [Hội đồng Thành phố Paris, Henri Vergnolle], bước
ra khỏi tòa nhà; kế tiếp ông ta bước vội xuống mấy bậc và,
trước đám đông reo hò, đưa trái táo cho một bé gái" (sđd.) Đối
với những người ái mộ Hồ, hành động đó phản ảnh bản chất
hòa nhã lịch sự và lòng yêu thương trẻ em của ông ta. Tuy nhiên,
đối với đa số, đó chỉ là một thủ thuật rẻ tiền để lấy
lòng thiên hạ.
Hồ luôn luôn
cố tạo dựng mối liên hệ nồng hậu với thường dân. "Ông ta lúc
nào cũng nói chuyện với thường dân với giọng dễ dãi hoặc như
cha ch́ú, lúc nào cũng phân phát mấy trái cam hoặc mấy miếng
thức ăn ngon cho trẻ em" (sđd.). Tuy nhiên, kiểu của ông ta
không theo lối đích thực Việt Nam. "Sự phối hợp của đóng kịch,
lôi cuốn và hòa nhã đưa đến một cá tính có vẻ Tàu hơn là
Việt" (sđd.). Người Việt, như Lacouture tinh tế quan sát, "theo
nguyên tắc thì thẳng thắn hơn, tình cảm hơn, ít bộc lộ."
(sđd.). Cho dù lối đóng kịch của Hồ là Tàu hay Việt, "trong cả
sự xảo quyệt của ông ta, có cái gì nồng ấm, thân thiện và
dối trá về cách Hồ nói chuyện với đồng bào ông ta" (sđd.,
217-218).
Một bậc thầy về
nhỏ nước mắt cá sấu, Hồ từng nói với thư ký riêng, Vũ Đình
Huỳnh, "Đôi khi những giọt nước mắt giả tạo cũng hữu ích trong việc
cho người ta hiểu một điểm trong bài diễn văn" (Duiker 2000, 572).
Hồ được biết "oà khóc đóng kịch bất cứ lúc nào và chỗ nào"
(Nguyễn 2012, 577 ghi chú 9), nhất là khi có đám đông như trong
một nghi lễ (Xem, thí dụ như, Huỳnh 2014). Tuy nhiên, tài đóng
kịch của Hồ không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Lacouture (1968,
217) nhận xét về tài đóng kịch của Hồ như sau: "Vai trò ông ta
đóng thì quá phát triển đầy đủ không thể nào mà hoàn toàn
tự phát được, và chiếc khăn tay lớn của ông ta thường quệt trên
cặp mắt khô queo."
Mieczyslaw
Maneli biết rõ Hồ qua công việc là đại biểu trong UBGSQT năm
1954-1955 và những lần thương lượng ngoại giao kín cho một giải
pháp hòa bình cho Việt Nam vào năm 1963. Maneli có nhiều phiên
họp với Hồ và Phạm Văn Đồng (Maneli 1975). Có lần khi Hồ bày tỏ
nỗi buồn khi kể lại cái chết của Lenin, "nước mắt tuôn ra mắt ông ta và
ông ta lau má mình" (Maneli 1971, 154). Theo Maneli, một phóng viên Ba
Lan nổi tiếng cũng chứng kiến Hồ làm y hệt chuyện đó trước
mặt bà ta trước đó (sđd.). Hành động đó biểu hiện đạo đức
giả đến độ Maneli phải thốt lên, "Thật là khó tin rằng một người
đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử đương thời lại dùng một
thủ thuật rẻ tiền để nhấn mạnh lòng trung thành của mình với chế
độ Cộng Sản" (sđđ.).
Tuy nhiên, Bùi
Tín, cựu đại tá trong Quân đội nhân dân Việt Nam và người bất đồng
chính kiến với chính phủ Việt Nam, "hoàn toàn chống đối bất kỳ
ý kiến nào nói [Hồ] là một người đóng kịch tài ba" (Bui
1999, 17). Cũng nên ghi nhận rằng Bùi Tín viết câu đó trong sách
in năm 1999, khi có thể ông chưa biết được những sự thật bây
giờ được biết về Hồ Chí Minh. Gần đây, sau khi biết về vụ bà
Cát Hanh Long (dưới đây), Bùi Tín nói là mọi chuyện về Hồ là
chính trị gia, nhà ngoại giao, thi sĩ, và nhà báo giỏi nhất
đều là thêu dệt (Bùi 2014).
Tài đóng
kịch và dàn dựng sân khấu của Hồ có thể được diễn giải hay
nhất qua vai trò ông ta trong chương trình cải cách ruộng đất vào những
năm 1950.
Ngày 21 tháng 7
năm 1953, một bài báo xuất hiện trên tờ báo Nhân Dân với nhan đề: "Địa
chủ ác ghê." Bài báo lên án một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Năm, chủ sở
hữu của Cát Hanh Long, và các con bà vì tội giết chết 260 người nông
dân vô tội (Nguyễn 2010).
Địa chủ ác ghê
Thánh hiền
dạy rằng: "Vi phú bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc
lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá - thế thôi. Nào ngờ
có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
Giết chết 14 nông dân.
Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
Làm chết 32
gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền
phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít
tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một
người.
Chúng đã hãm
chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở
Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít
hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
Năm 1944-45,
chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn
đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng,
15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:
Trời rét,
chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội
thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau
buốt tận óc tận ruột.
Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.
Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.
Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.
Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.
Đó là chưa
kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng
với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã
thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.
Trong cuộc
phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra
tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả
những tội ác hại nước hại dân. Thật là:
Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!
(21-7-1953)
Những lời buộc
tội khắt khe bà Cát Hanh Long và các con bà thật là tác hại. Họ
coi như có tội trước khi xử. Bài viết này được viết bởi một người bí
ẩn, ký tắt C.B. Lúc ấy không ai biết C.B. là ai. Tuy nhiên, C.B. đã
được khám phá là một bút danh của Hồ Chí Minh (Viện 1986, 56). Hồ
viết rất nhiều bài báo dưới bút danh C.B. (Xem, thí dụ, Viện 1986,
55-56, 66-68, 78-84, 90-92; Viện 1995, 414-415, 412-413). Bút danh C.B.
thực sự được dùng trên 147 tài liệu bằng văn bản từ tháng 3 năm 1951
đến tháng 3 năm 1957 trên báo Nhân dân (Tin 2014; Trần 2014; Wikipedia
2014).
Tuy nhiên, bài
"Địa chủ ác ghê" ở trên không được chính phủ Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) in trong các ấn phẩm chính thức
về các bài viết của Hồ. Sự cố tình giấu giếm bài này rõ
ràng cho thấy sự nhận tội về phẩm cách Hồ hèn hạ ném đá
giấu tay. Một hậu quả trong việc không in bài này là nhiều học
giả Tây phương, thường dựa vào các ấn phẩm chính thức của
chính quyền, không biết đến cái bằng chứng tác hại tiêu hủy
hình ảnh thánh thiện của Hồ. Bài "Địa chủ ác ghê," tuy nhiên,
được phổ biến rộng rãi trên Internet (Bùi 2014; Nguyễn 2010; Tin
2014; Trần 2014). Với bằng chứng không thể chối cãi này, các
sách sử, nhất là những sách về tiểu sử Hồ như sách của
Quinn-Judge (Quinn-Judge 2002), Duike (Duike 2000), và Brocheux
(Brocheux 2007), sẽ phải được viết lại.
Ngoài ra, dùng
bút danh Đ.X. (Xem, thí dụ, Viện 1995, 368, 415, 417, 419; Wikipedia
2014), Hồ viết một bài nhan đề "Địa chủ phản động ác ghê" đăng trong
tờ báo Cứu Quốc, số 2459 (ngày 2 tháng 11 năm 1953) (Viện 1995, 413).
Qua việc bao gồm bài "Địa chủ phản động ác ghê" của Đ.X. là
một trong những bài viết của Hồ trong một ấn phẩm chính quyền
chính thức, chính phủ CHXHCNVN công khai thừa nhận bài này là
do Hồ viết. Tuy lời lẽ trong bài này không ác độc và rõ rệt
như bài "Địa chủ ác ghê" của C.B., nội dung của hai bài như nhau,
nhất là cách dùng chữ đặc thù "địa chủ... ác ghê." Điều này
cho thấy cả hai bài đều do cùng một người viết. Những bài viết
này mô tả những tội ác của chủ đất và buộc tội họ hợp tác với Pháp để
phản bội đất nước và nhân dân.
Hồ ký sắc lệnh
cải cách ruộng đất, bắt đầu chương trình từ tỉnh Thái Nguyên để bắt giữ
và truy tố bà Năm Cát Hanh Long là nạn nhân đầu tiên. Mặc dù đã đóng
góp đáng kể cho Đảng Cộng sản, cung cấp nơi trú ẩn và dụng cụ vật
liệu cho các lãnh tụ Đảng trong những năm đầu của cuộc cách mạng, bà
Năm Cát Hanh Long bị kết án tử hình và xử tử (Nguyễn 2010). Hồ được
thông báo về cuộc xử tử, nhưng không làm gì để ngăn chặn thảm kịch
đó (Brocheux 2007, 158; Bui 1999, 29). Thay vì vậy, ông ta tuyên bố:
"Người Pháp nói rằng không bao giờ nên đánh phụ nữ, ngay cả với một
bông hoa, mà mấy người, mấy người để cho bà ta bị bắn!" (trích
trong Brocheux 2007, 158; Logevall 2012, 633). Hồ làm như không biết
gì về bà Năm Cát Hanh Long trong khi chính ông ta là người đã
viết một bài báo kết tội bà với những lời buộc tội nặng nề
nhất. Một kẻ lật lọng, ông ta bây giờ la mắng thuộc hạ là đã
giết bà. Thí dụ này không những cho thấy tài đóng kịch mà còn
sự gian ác kinh khủng, hiểm độc, hèn nhát, và đạo đức giả của Hồ. Tệ
hơn nữa, ông ta núp sau cây bút và lạm dụng sức mạnh báo chí để thúc
đẩy mục tiêu mình. Cuối cùng nhưng không kém, ông ta dùng sức mạnh báo
chí lúc ông ta đang là lãnh tụ miền Bắc Việt Nam.
Sau đó, vào
tháng 8 năm 1956, Hồ và các lãnh tụ Đảng cùng nhau thừa nhận những
sai lầm (Duiker 2000, 485; Logevall 2012, 633). Sự nhìn nhận sai lầm
được coi là một hành động tự phê bình. Lúc ấy, và ngay cả
bây giờ, nhiều người tin rằng Hồ thành thật nhận lỗi và xin
lỗi.
Tuy nhiên,
hành động tự phê bình của Hồ không thể thoát được cặp mắt
tinh tế của sử gia. William Duiker, sử gia Hoa Kỳ chuyên về Việt
Nam và Hồ Chí Minh, tin rằng sự nhìn nhận này thực ra được thúc
đẩy vì chính trị. Duiker quan sát rằng trước khi Hồ công khai
nhận lỗi, một biến cố long trời lở đất xảy ra trong thế giới
cộng sản. Vào ngày 25 tháng 2, 1956, Khrushchev đọc bài diễn văn
kinh hoàng tại Hội Nghị Đảng cộng sản Liên Xô thứ 20
(Khrushchev 1956). Ngoài chuyện tấn công Stalin và sự sùng bái
cá nhân, Khrushchev lên án sự đàn áp đại chúng và hủy diệt
vật chất. Một cách rõ rệt, Khrushchev (1956) thúc giục các
đồng chí cộng sản đẩy mạnh "sự thực hành rộng rãi về phê
bình và tự phê bình."
Duiker tin rằng
bài diễn văn tháng 2 năm 1956 của Khrushchev lên án Stalin và khuyến
khích "tự phê bình" có thể là lý do cho các lãnh tụ cộng sản Việt Nam
thừa nhận sai lầm của họ trong chiến dịch cải cách ruộng đất (Duiker
2000, 481-482). Phản ứng của Hồ và các lãnh tụ đảng sau bài
diễn văn của Krushchev hỗ trợ cho sự khẳng định này. Vào tháng
ba 1956, bộ chính trị của Đảng Lao Động Việt Nam (ĐLĐVN), tiền
thân của Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại, họp và cho phát
thanh thông cáo, đề cập đến "sự đề cao cá nhân" và "tinh thần
tự phê bình" (sđd., 481). Sau đó vào tháng tư 1956, Ủy ban
Trung ương ĐLĐVN tổ chức một phiên họp mở rộng và thảo luận về
vấn đề tự phê bình. Lúc hội nghị kết thúc, Ủy ban Trung ương
công bố nghị quyết ca ngợi Đảng cộng sản Liên Xô về "lòng can
đảm nhìn nhận lỗi lầm" và ghi chú rằng ĐLĐVN "chưa tham gia đủ
trong việc xem xét những thực hành của chính mình tại Việt
Nam" (sđd., 482). Đặc biệt, Hồ tuyên bố rằng "bằng cách tham gia trong
tự phê bình, Đảng cộng sản Liên Xô đã thể hiện một mức độ can đảm cần
được bắt chước bởi tất cả các Đảng anh em" (sđd., 482). Câu tuyên
bố đó của Hồ cho thấy lời ông ta nhận lỗi về cuộc cải cách
ruộng đất chỉ là giả tạo và chỉ dùng để chứng tỏ cho Liên Xô
biết là ông ta và các đồng chí đang đi theo chỉ thị mà lãnh
tụ Liên Xô đưa ra.
Trong hội
nghị trung ương thứ 10 vào tháng 10 năm 1956, Hồ lần nữa nhấn
mạnh tự phê bình và chống lại sùng bái cá nhân, phản ảnh
đúng chỉ thị của Khrushschev. "Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải
làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống
các tệ sùng bái cá nhân và quan liêu, mệnh lệnh; đều phải thật thà tự
phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thực sự dân chủ" (Hồ 1956b).
Hồ chẳng lạ gì với tự phê bình, một kỹ thuật cộng sản dùng
để vạch ra và hành hạ những phần tử phản động (Xem, thí dụ
như, Beng 2013); ông ta viết một bài về tự phê bình vào năm 1947.
Tuy nhiên, cái thời điểm (sau bài diễn văn long trời lở đất
của Khrushchev), sự kéo dài (ba năm sau khởi đầu chương trình),
nội dung các lời tuyên bố và diễn văn (sùng bái cá nhân và tự
phê bình), và sự trừng phạt chính thức nặng nề (Trường Chinh
bị bãi nhiệm), tất cả đều chỉ vào màn kịch dàn dựng của
Hồ.
Trong lúc đọc
bài diễn văn nhìn nhận sai lầm về sự tàn bạo trong cuộc cải
cách ruộng đất, Hồ được dịp trổ tài đóng kịch như thổ lộ
với Vũ Đình Huỳnh. Ông ta móc khăn tay, lau mắt bên phải rồi
mắt bên trái (Hồ 1956a; Hình 1). Theo như Lacouture (1968, 217), ắt
là cặp mắt ông ta bấy giờ ráo hoảnh. Tuy tài đóng kịch đó
không thuộc cỡ đoạt giải Oscar, nó cũng ắt là thành công trong
việc thuyết phục nhiều dân Việt Nam tin là ông ta thành thật.
Hình 1: Hồ Chí Minh chậm mắt trong diễn văn nhận lỗi về cải cách ruộng đất.
Ronald Reagan
là một tài tử điện ảnh trước khi nhiệm chức Tổng thống thứ
40 của Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh là lãnh tụ ĐCSVN trước khi biến
thành một kẻ đóng kịch trước công chúng.
Thật là một sự tương phản!
_____________________________________
No comments:
Post a Comment