Tuesday, April 28, 2015

Bác bỏ năm luận điểm và là 5 câu hỏi của ông Bùi Tín

Bác bỏ năm luận điểm và là 5 câu hỏi của ông Bùi Tín

Ông Bùi Tín đã hùng hồn nêu ra 5 câu hỏi cho học giả Đài Loan để làm 5 luận điểm chứng minh ông HCM với NAQ là một, tức là để khẳng định cuộc đánh tráo là không thể có. Tôi thấy đó là những câu hỏi rất ngây ngô ngộ nhận mà chỉ cần một người bình thường như tôi cũng có thể đưa ra các câu trả lời hay bẻ gãy lập luận của ông Bùi Tín. Và đó là việc tôi sẽ làm ở đây.
Câu hỏi đầu tiên ông Bùi Tín đưa ra là, tại sao trong kho hồ sơ lưu trữ của đảng CSLX không có tài liệu về việc bà Vera Vasilieva theo dõi việc đào tạo Hồ Tập Chương thành Nguyễn Ái Quốc tại Moscow những năm 1933-1938? Cộng sản nói chung trên toàn thế giới - cả đảng CSLX hồi đó và đảng CSVN hiện nay - với bản chất là luôn gian dối, có một “văn hóa” lưu trữ hồ sơ khác mọi chế độ: họ chỉ lưu trữ hồ sơ tự tạo ra theo ý muốn và quyền lực của những người cầm quyền hay ý muốn của đảng, hoặc họ không cần có hồ sơ lưu trữ gì cả, hoặc họ luôn thay đổi các sự kiện sao cho có lợi cho họ và bất chấp lịch sử, để lưu hồ sơ sao cho “có lợi cho cách mạng”. Với họ, không có khái niệm sự thật hay lịch sử khách quan, chỉ có cái gọi là “lịch sử trong con mắt biện chứng của đảng” - tức do họ chế tác ra. Ông Bùi Tín là người làm báo cộng sản hẳn biết rất rõ điều đó. Những năm 30s thế kỷ trước còn là thời đại khủng bố và thanh trừng nội bộ tàn khốc của Stalin-Beria khi họ thường thủ tiêu người không cần bản án, hồ sơ... thì việc gian dối thay người này bằng người khác “vì lợi ích cách mạng quốc tế” là chuyện cỏn con họ càng không cần hồ sơ và không muốn để lại hồ lưu trữ. Và nếu có chút ít hồ gián tiếp nào đó thì khả năng sau đó nước Nga rơi vào đại chiến 2 làm tan hoang cả Châu Âu và khả năng bảo tồn được các hồ sơ đó cũng rất thấp. Thêm nữa, sau chiến tranh Stalin cho giải tán Comintern là bộ phận QTCS của bà Vera Vasilieva người có thể đã phụ trách việc này, thì việc hy vọng vào hồ sơ lưu trữ của đảng CSLX là không tưởng. Xin hỏi ông Bùi Tín, liệu trong lưu trữ của đảng CSLX có tìm thấy hồ sơ về hàng vạn hàng triệu vụ tàn sát các đảng viên cộng sản Nga và Đông Âu để giải oan cho họ không? Hay trong hồ sơ lưu trữ của đảng CSVN có hồ sơ về hàng trăm ngàn vụ giết oan nông dân, địa chủ như vụ bà Cát Hanh Long không?
Câu hỏi thứ hai của ông Bùi Tín là, tại sao năm 1960 khi gặp HCM luật sư Frank Loseby vẫn nhận ra đó là “người cũ” - NAQ? Xin thưa, như đại đa số người châu Âu bình thường ông Loseby khó mà phân biệt chính xác hai người Á châu cùng tuổi cùng giới khi ông còn trẻ và minh mẫn hoàn toàn, và năm 1960 khi đến Hà Nội Ls Loseby đã gần 80 tuổi sau gần 30 năm cứu NAQ ở Hongkong, chắc chắn ông chỉ có một câu trả lời: HCM chính là NAQ mà ông đã gia ơn năm xưa, nhất là nay kẻ chịu ơn ông đó đã là Chủ tịch một đất nước mấy chục triệu dân. Hơn nữa, từ trước đó vài năm, từ 1956, HCM đã liên tục chuẩn bị cho ông Loseby “nhận ra” mình bằng cách viết thư tự giới thiệu lại và thăm hỏi, gửi quà (bức tranh thêu chùa Một Cột) và gửi ảnh của mình (Chủ tịch HCM) cho Loseby, thì làm sao Ls Loseby có thể có nghi ngờ gì nữa? Và khi đã không có nghi ngờ trong lòng thì đôi mắt của ông già 80 đang vinh dự là ân nhân của chủ tịch một nước làm sao có thể nhìn ra gì khác nữa? Thực ra, có thể ông HCM đã cố tình chỉ sử dụng ông già Loseby cho mục đích đó: xác nhận NAQ là HCM. Còn nếu để tỏ lòng biết ơn cứu mạng, tại sao HCM không viết thư cho Ls Loseby từ hơn chục năm trước đó, từ 1945 chả hạn?
Câu hỏi và luận điểm thứ ba của ông Bùi Tín là, tại sao năm 1946 khi sang lại Pháp HCM đã gặp lại các bạn cũ mà không ai nghi ngờ HCM không phải NAQ? Về điều khẳng định này, chỉ xin ông Bùi Tín đưa ra những cái tên và tài liệu chứng minh, ai là những người “bạn cũ” - cả người Việt lẫn người Pháp - mà HCM gặp trong chuyến đi Pháp năm 1946 mà trước đó đã biết rõ NAQ? Câu trả lời đơn giản là không có ai hết, và không có tài liệu nào hết ghi nhận lại những cuộc gặp như thế cả. Năm 1946 những bạn cũ người Việt của NAQ biết rõ NAQ ở Pháp hầu như không còn ai và chắc chắn không ai gặp chủ tịch HCM cả. Trong chuyến đi đó, xung quanh HCM và đến gặp HCM toàn những người của thế hệ sau mới nghe danh chủ tịch mà đến như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Văn Huyên...
Câu hỏi và luận điểm thứ tư của ông Bùi Tín là việc bà Thanh chị NAQ năm 1946 đến phủ chủ tịch và vẫn nhận ra HCM là “thằng Coong có sẹo tai trái khi đi câu cá” và cả ông Cả Khiêm cũng nhận ra em mình? Ông Bùi Tín cũng biết rõ là bà Thanh bất ngờ ra Hà Nội và chỉ được gặp “thằng Coong” vài phút và hai người đã nói gì trong vài phút đó đến nay vẫn không ai biết. Vụ “thằng Coong có sẹo tai trái” là do bà Thanh sau này nhìn ảnh chủ tịch HCM thấy có sẹo tai trái mới nhớ ra hồi đó “thằng Coong” đi câu cá bị lưỡi câu móc vào tai... Nhưng bà Thanh lại quên hay không được xem ảnh “thằng Coong” tức Nguyễn Tất Thành lúc sang Pháp tai không có sẹo và vểnh ra và chọc lên như tai... Hồ chủ tịch.
Vụ cái tai sẹo chắc đã làm “thằng Coong” sợ hú vía nên “Coong” mới phải thiết kế cuộc gặp anh cả Khiêm mấy năm sau đó vào buổi tối nhà quê không điện, nhá nhem, để hai “anh em” hàn huyên chuyện cũ và... cũng chớp nhoáng như gặp chị Thanh, vì “bận việc cách mạng”! Ông cả Khiêm chả kịp nhận ra cái sẹo nào của “thằng Coong” thì đã ra đi ngay năm đó, 1950... Chưa ai được nghe ông cả Khiêm nói bất cứ điều gì về “thằng Coong” sau cuộc hội ngộ trong bóng đếm và không có người thứ ba đó cả? Ông Bùi Tín có thể lấy gì làm chứng để nói ông cả Khiêm đã nhận ra hay không nhận ra “thằng Coong”? Cả “thằng Coong” cũng kín như bưng đến khi vào nằm trong lăng Ba đình...
Luận điểm hay câu hỏi thứ năm của ông Bùi Tín là, tại sao nhiều người quen NAQ trước năm 1933 sau này làm việc với HCM vẫn không ai nghi ngò HCM không phải là NAQ? Đây là câu hỏi hay ho nhất và khó trả lời nhất của ông Bùi Tín, vì lần này ông đưa ra ba cái tên cụ thể: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt và Phùng Chí Kiên.
Người thứ nhất, có lẽ ông Bùi Tín đã nhầm, vì Hoàng Quốc Việt chỉ gặp HCM tại Hội nghị TW đảng lần VIII năm 1941 tại Pắc Bó và không biết NAQ là ai?
Người thứ hai, Nguyễn Lương Bằng năm 1927-1928 được cử đi dự lớp đào tạo của TNCM ĐCH tại Hương cảng do NAQ tổ chức nhưng chưa đến nơi thì lớp học bị cảnh sát HK vây bắt nên phải giải tán và sau đó NAQ sang Thailand, còn Nguyễn Lương Bằng về nước, sau này đến 1941 NLB mới gặp HCM. Sở dĩ có sự ngộ nhận rằng NLB biết cả NAQ và HCM là do danh sách lớp học ở HK rơi vào tay mật vụ Pháp nên NLB bị bắt, và bản thân NLB cũng đã ghi trong lý lịch là mình được đi dự lớp đào tạo do NAQ mở (đúng), nhưng quên không khai là lớp đó không thực hiện được do bị cảnh sát HK bắt bớ phải giải tán...
Người thứ ba, Phùng Chí Kiên, biết rõ NAQ: đã dự lớp đào tạo của NAQ ở HK năm 1926, đã sang học trường Phương Đông ở Moscow rồi về hoạt động ở TQ, VN. Năm 1938-39 đã gặp HCM (Hồ Quang) ở TQ, cùng hoạt động một thời gian rồi đưa HCM về chiến khu Việt Bắc (hang Pắc Bó), rồi dự HN TW 8... Vấn đề là ở chỗ đến 1956-1958 HCM mới chính thức nhận mình là NAQ, còn khi làm việc với PCK ở VN và TQ thì HCM chỉ là HCM thôi. Ngay năm 1941, trung đội Bắc Sơn của PCK đã “vô tình” bị trên 4000 lính Pháp vây đánh và Phùng Chí Kiên cùng người phó Lương Văn Tri (cũng biết rõ NAQ là ai) bị Pháp giết... Như vậy PCK chưa bao giờ phải băn khoăn HCM có phải là NAQ không thì ông Bùi Tín muốn chứng mình điều gì?
Nói hộ Bùi Tín về những người biết rõ cả HCM và NAQ

Tôi vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên khi thấy ông Bùi Tín không đưa ra hai cái tên Trịnh Đình Cửu và Hồ Tùng Mậu là hai người đã cùng NAQ tham gia thành lập đảng CSĐD ở Hương cảng năm 1930 và sau này đã tham gia kháng chiến chống Pháp cùng HCM, để chứng mình HCM là NAQ.
Sau khi nghiên cứu tiểu sử của trên một trăm hai mươi yếu nhân lịch sử dân tộc Việt cùng thời với NAQ, tôi thấy có ba mươi tư người (34) đã biết rõ NAQ trước 1933 như cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong... thì ba mươi người đã “ngẫu nhiên” bị chết/giết chết trước-trong-và sau khi HCM xuất hiện và không gặp được HCM, chỉ còn có 4 người được cho là biết NAQ mà vẫn sống sót để làm việc với cả HCM sau này, đó là: Nguyễn Lương Bằng, Phùng Chí Kiên, Hồ Tùng Mậu và Trịnh Đình Cửu.
Tôi muốn nói thêm về Hồ Tùng Mậu vốn là trợ lý giảng dạy cho NAQ ở Hongkong cho các lớp đào tạo của TNCMĐCH, cùng tham gia thành lập đảng CSĐD năm 1930 với NAQ, và là người đã liên hệ với đảng CSTQ và để nhờ cứu NAQ bị bắt ở HK năm 1931. Đảng CSTQ đã báo cho QTCS nhờ Công hội Đỏ thuê luật sư Loseby cái cho NAQ... Ông Hồ Tùng Mậu là bạn thân, đồng hương xứ Nghệ, là cấp dưới hay đồng cấp của NAQ từ trước 1930, là ân nhân góp phần cứu NAQ ra từ năm 1933. NAQ là bạn thân của cả gia đình họ hàng HTM vì gia đình HTM rất danh giá.
Thế mà năm 1945 khi HCM lên là Chủ tịch nước còn HTM ra tù về Hà Nội thì không được gặp HCM, phân vân không biết HCM có phải NAQ? HTM được HCM cử vào phụ trách liên khu V để rồi bị “máy bay Pháp bắn chết” năm 1951. Đáng ngờ hơn nữa là trước đó, năm 1948, con trai HTM là Hồ Mỹ Xuyên lúc đó 28 tuổi đang là phó bị thư tỉnh ủy Nghệ An được/bị HCM điều ra Đặc ủy đoàn ở Lao Cai và bị “tai nạn” chết ở đó (vì Hồ mỹ Xuyên cũng biết rõ NAQ là ai?). Sau khi Mỹ Xuyên chết, HCM “đánh máy ngay” thư chia buồn cho “bạn thân” HTM... Cả HTM và HMX đều không gặp HCM.
Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ
Tóm lại là, không có một ai thực sự biết rõ cả NAQ và HCM cả, trừ Trịnh Đình Cửu (Tản Anh). Trịnh Đình Cửu cũng là một trong 7 (hay 8?) người tham gia thành lập đảng năm 1930 ở Hongkong và đến 1990 mới chết với chức vụ cuối cùng là giám đốc trường đảng NAQ! Nhưng TĐC có 13 năm lý lịch từ 1936 (sau khi ra tù) đến 1949 “biến mất”, không ai biết đã làm gì ở đâu? Đó cũng là những năm tình báo Hoa Nam đã đào tạo ra các “lãnh tụ” của các đảng CS chấu Á như đồng chí Lai Teck của đảng CS Malaysia. Nếu Trịnh Đình Cửu bị Hoa Nam bắt để khai thác và thay người của mình thì 13 năm đó là quá thừa, làm gì cũng được, và vì thế chắc chắn là TĐC đã không hề nhận ra HCM và NAQ là hai người, như ông Bùi Tín muốn chứng mình. Sao ông Bùi Tín không đưa ra cái tên Trịnh Đình Cửu nhỉ?
Có lẽ đảng CSVN cũng biết rõ Trịnh Đình Cửu cũng là tác phẩm của Hoa Nam đánh tráo, nên chỉ nâng bi một HCM là quá đủ “nặng đô” rồi?
Cuối cùng thì, HCM có phải là NAQ? Theo tôi chắc là không. Nhưng HCM có lẽ cũng không phải là Hồ Tập Chương từ Đài Loan đến. Hồ Chí Minh rất có thể là một người Việt gốc Hoa ở Nghệ An được tình báo Hoa Nam chuẩn bị để thay NAQ sau khi NAQ chết ở HK. Giống như Hoa Nam đã chọn và đào tạo một người Việt gốc Hoa khác từ Nghệ An là Trương Phước Đạt từ năm 1933 đến 1938 thành tổng bí thư đảng CS Malaysia vậy thôi? Và Hồ Chí Minh nếu từ người Hoa ở Vinh thì có thể là họ hàng với người Tàu họ Hồ ở Đài Loan?
Điều quan trọng là, chúng ta hãy để ý, việc cứu NAQ ở HK bắt đầu từ chính đảng CSTQ do Hồ Tùng Mậu báo tin và cậy nhờ... Và có lẽ vì thế mà cha con ông Hồ Tùng Mậu phải chết mà không biết HCM có phải NAQ hay không?
Câu hỏi đó, theo tôi, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức và thuyết phục.
 
Đọc thêm:

Đảng ta
Trần Thắng Lợi (Hồ Chí Minh)
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 5
(Tặng các đồng chí chi bộ)
Năm 1847, Mác và Ăngghen phát biểu “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”. Sau 70 năm cách mạng Nga thành công. Sau 98 năm cách mạng Việt Nam thành công. Hiện nay, nước nào cũng có Đảng Cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn khắp thế giới. 20 triệu đảng viên cộng sản khắp các nước đang hăng hái lãnh đạo hàng trăm triệu người lao động và dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho cuộc giải phóng của mình, cho một xã hội mới, cho chủ nghĩa cộng sản.
Đảng ta tuy trẻ trung, nhưng đã lập được những công trạng rất to tát.
Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết, chứ không phải viết lịch sử Đảng.
Năm 1921, trong cuộc Đại hội của Đảng Xã hội Pháp mở ở Tua (Tours), Đảng ấy chia làm hai phái. Phái thiểu số thì cứ giữ lấy Đảng Xã hội cũ. Phái đa số thì lập thành Đảng Cộng sản Pháp. Trong phái này có một người cộng sản đầu tiên của Đông Dương là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, chủ nghĩa cộng sản bắt đầu vượt qua lưới sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp và dần dần thấm vào nước ta.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng anh em cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu, huấn luyện họ, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước.
Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.
Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn.
Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau.
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.
Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám.
Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.
Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Đảng ta chân chính thành lập.
Đó là ngày lịch sử mồng 6-1-1930.
Sự thống nhất làm cho đảng viên và quần chúng cả nước rất vui mừng và thêm hăng hái. Do đó mà Đảng phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo.
Vì có một chủ nghĩa cách mạng nhất, một tổ chức chặt chẽ nhất, chí hy sinh tận tuỵ không bờ bến của đảng viên, có sự hăng hái vô cùng của quần chúng, nên Đảng ta thành lập không bao lâu, đã lãnh đạo được cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh, thành lập Xô viết Nghệ An. Nếu so sánh lịch sử cách mạng các nước, chúng ta có thể nói rằng Xô viết Nghệ An đối với Việt Nam cũng hơi giống cách mạng 1905 Nga.
Xô viết Nghệ An đã lôi cuốn được cả công nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo.
Giặc Pháp đàn áp một cách vô cùng dã man. Hàng ngàn hàng vạn đảng viên và quần chúng bị giết chết, bị tù đày. Giặc Pháp đã xoa tay mừng rằng cách mạng Việt Nam, cộng sản Việt Nam hết rồi. Chúng nào có hiểu: Có thể ngăn sông, có thể đào núi, nhưng không có lực lượng nào có thể ngăn trở chủ nghĩa cộng sản phát triển và thực hiện.
Sau trận khủng bố ghê gớm 1930-1931, năm 1933 Đảng lại hoạt động mạnh và càng ngày càng mạnh.
Nói đến đây, tôi phải nhắc đến những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác. Và những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ.
Thế giới đại chiến lần thứ hai bùng nổ. Một lần nữa thực dân Pháp ra tay khủng bố. Nhiều đảng viên bị bắt, bị tù. Nhưng Đảng ta vẫn đứng vững. Đảng giao cho một số đồng chí thảo kế hoạch đánh Nhật chống Pháp. Các đồng chí ấy khai hội trên một bãi cỏ ở Quảng Tây. Trong 6,7 người, tôi chỉ nhớ tên các đồng chí Phùng Tự Do (đã hy sinh ở Na Rì, Bắc Cạn), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Muốn đánh giặc, phải có quân đội. Đội du kích đầu tiên của nước ta lập ở Cao Bằng, với 12 người, trong đó có hai nữ đồng chí. Đội này do các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm và Bằng Giang phụ trách. Toàn đội chỉ có một khẩu “pạc-hoọc”, hai khẩu súng kíp và giáo mác. Thấy vậy, người khác có thể cười rằng đó là trò chơi trẻ con. Nhưng chính từ cái hạt cỏn con đó mà nay đã phát triển thành hàng chục vạn Vệ quốc quân và hàng trăm vạn dân quân du kích đang oanh liệt kháng chiến từ Bắc đến Nam, làm cho giặc Pháp phải kinh hồn, thế giới phải khen phục.
Trong mấy tháng, đội du kích số một ấy phát triển đã khá. Đảng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cải tổ thành đội Nam tiến. Khi đã lấy lại sáu tỉnh Việt Bắc và đã lập chính quyền nhân dân, đội Nam tiến đổi tên là Quân Giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Cộng hoà thành lập, Quân Giải phóng trở nên Vệ quốc quân.
Năm nay, Đảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay.
Tuy vậy, chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại.
Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình.
- Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa?
- Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa?
- Đã luôn cố gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ chưa?
- Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?
- Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa?
- Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa?
Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được.
Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm trọn nhiệm vụ của đảng viên.
Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy. Như thế, thì dân tộc giải phóng nhất định thành công, thế giới cách mạng nhất định thành công.
Trần Thắng Lợi
(Viết đầu năm 1949. Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1-1949. Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Hà Đông xuất bản thành sách năm 1950)


No comments:

Post a Comment