Chiến lược thâm hiểm của Trung Quốc
Nói về Biển Đông mà không
nắm vững chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc, chỉ
đọc các tin tức về các diễn biến đang diễn ra mỗi ngày, thường được thổi
phòng để phục vụ cho các mục tiêu từng giai đoạn, rất khó biết được
chính xác “Địch” và “Đồng Minh” đang làm gì và sẽ đưa Biển Đông đi tới
đâu. Suy nghĩ và hành động theo cảm tính thường đưa tới chiến bại.
Chúng
tôi đã viết nhiều bài nói về chiến lược của Mỹ ở Biển Đông dựa trên sự
phân tích và phê phán của một số chuyên gia quốc tế, đó là xử dụng “chiến lược chiến tranh ủy nhiệm”
(poxy war strategy) bằng cách gây áp lực và thúc đẩy các quốc gia trong
khu vực hình thành một lực lượng đối phó với Trung Quốc, còn Mỹ chỉ
đứng ngoài yểm trợ, bán vũ khí và xin gia tăng chi phí quốc phòng để
sáng chế các vũ khí mới. Chiến lược này đã được áp dụng tại Trung Đông
và đang thành công, nhưng nó đã thất bại khi thử đem áp dụng tại Đông
Âu. Còn tại Biển Đông thì sao?
Giáo sư Alexander L. Vuving
Chúng
tôi cũng đã nghiên cứu, nói và viết nhiều lần về mục tiêu và chiến lược
của Trung Quốc tại Biển Đông. Qua các cuộc nghiên cứu, chúng tôi nhận
thấy rằng công trình nghiên cứu và phân tích của Giáo sư Alexander L.
Vuving về vấn đề này rất hữu ích. Ông là Giáo sư trường Đại Học Tulane,
dạy về các môn Quan hệ Quốc tế và đang tham gia vào Các cuộc Nghiên cứu
về An ninh của Trung Tâm Á Châu Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở
Honolulu, một viện nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Chúng tôi xin
tổng kết những tài liệu chính của ông về Biển Đông để giúp độc giả thấy
rõ hơn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, cách thức hành động của
Trung Quốc để đạt mục tiêu họ muốn, Mỹ và các cường quốc đang đối phó như thế nào.
THỰC HIỆN “GIẤC MƠ TRUNG QUỐC”
Giáo
sư Alexander L. Vuving cho rằng chiến lược lấn chiếm Biển Đông của
Trung Quốc chỉ là một phần của một nỗ lực lớn hơn để đạt được “Giấc mơ Trung Quốc”, khôi phục lại vị trí mà Trung Quốc tự cho là chỗ đứng xứng đáng của họ, đó là ở trên đầu các quốc gia khác.
Chúng
tôi xin nhắc lại, ngày 17.3.2013, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần
thứ 12, kỳ họp thứ nhất. Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Nước. Trong
bài phát biểu ông đã đề cập đến cụm từ "Giấc mơ Trung Quốc ". Sau đó cụm từ này được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tập Cận Bình mô tả rằng "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc".
Ông cũng tuyên bố rằng những người trẻ tuổi nên "dám ước mơ, làm việc
cần mẫn để thực hiện những ước mơ và đóng góp vào sự phục hồi của quốc
gia".
Sau
đó, Tập Cận Bình đưa ra quyết định tái cơ cấu, hiện đại hóa và tăng
cường khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc nhằm mục đích bắt kịp
trình độ các cường quốc ở châu Âu và Mỹ, mở rộng phạm vi hoạt động của
quân đội Trung Quốc ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Giáo
sư Alexander L. Vuving cho rằng nếu các đối thủ của Trung Quốc không có
đối sách bẻ gãy chiến lược này, Trung Quốc sẽ nổi lên như là chúa tể
của Biển Đông, ít nhất là trong nhận thức của hầu hết các nước trong khu
vực. Từ đây, sẽ chỉ còn vài bước để vươn tới vị trí bá quyền khu vực và
toàn cầu. Theo ông, trong thực tế, huyết mạch của nền kinh tế châu Á
chạy qua Biển Đông, và châu Á đã trở thành chấn tâm kinh tế thế giới, ai
kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á
sẽ thống trị thế giới.
CHIẾN LƯỢC LẮT LÉO CỦA TRUNG QUỐC
Alexander
L. Vuving nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược dựa trên
những nguyên tắc rất khác với lối nghĩ thông thường. Triết lý đằng sau
chiến lược này có thể được tìm thấy trong Binh pháp của Tôn Tử. Ý tưởng
then chốt là làm sao để “không đánh mà vẫn thắng” (winning without fighting). Mục tiêu tổng thể là giành quyền kiểm soát Biển Đông nhưng không phải thông qua các trận đánh lớn mà qua các hoạt động từng bước thay đổi thực địa,
tạo dựng một sân chơi có lợi cho mình, làm thay đổi về mặt tâm lý những
tính toán chiến lược của các quốc gia khác. Lý luận cơ bản của chiến
lược này là khéo léo tác động lên các cấu hình chiến lược của khu vực để
làm thay đổi thực tế theo xu hướng có lợi cho sự thống trị của Trung
Quốc.
Ngày 28.5.2013, tờ Daily Mail Trung Quốc xuất bản bài viết với tiêu đề “Trung Quốc tự hào chiến lược khôi phục các đảo, bãi đá ngầm bị Philippines chiếm đóng”
dựa trên cuộc phỏng vấn truyền hình với Tướng Trương Triệu Trung của
Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc. Ông này cho biết Hải Quân đang vây hãm đảo
Scarborough, đảo nằm trên Biển Đông và đang là tâm điểm tranh chấp giữa
Trung Quốc và Philippines, như chiếc "cải bắp" với nhiều tàu chiến. Khi
có tranh chấp lãnh hải, đầu tiên Trung Quốc đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng là tàu chiến. Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh. Chiến lược này được gọi là “chiến lược bóc lá bắp cải” hay “chiến lược tằm ăn dâu”.
Theo
Xinhua, tính đến cuối năm 2013, hơn 50.000 tàu cá của Trung Quốc được
trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, giúp kết nối với lực lượng
tuần duyên Trung Quốc mỗi khi có sự cố trên biển. Họ chỉ phải trả 10%
giá trị thiết bị, còn lại chính quyền hỗ trợ. Các ngư dân ở đảo Hải Nam
nói với Reuters rằng chính phủ khuyến khích họ đi đến các vùng có tranh
chấp. Mỗi tàu có động cơ 500 mã lực được trả 320-480 USD mỗi ngày. Bình
luận trên National Interest, tác giả Harry J. Kazianis cho rằng vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh không phải là quân sự mà có thể là các tàu cá.
Các tàu đánh cá Trung Quốc đang ra khơi
Theo Giáo sư Alexander L. Vuving, có ba yếu tố cần có để theo đuổi chiến lược bành trướng lắt léo của Trung Quốc. Yếu tố đầu tiên là tránh tối đa những trận đánh lớn. Yếu tố thứ hai là kiểm soát các vị trí chiến lược trong khu vực nếu những vị trí này còn chưa có ai chiếm hữu. Cần phải chiếm một cách âm thầm lén lút nếu có thể, và bằng một cuộc xung đột có giới hạn nếu cần thiết. Yếu tố thứ ba là phát triển những vị trí này thành các trạm kiểm soát mạnh,
các trung tâm hậu cần vững chắc và các căn cứ triển khai sức mạnh quân
sự một cách hiệu quả. Tất cả đến nhằm thiết lập uy thế và chủ quyền của
Trung Quốc ở Biển Đông.
THÀNH QUẢ TRUNG QUỐC ĐẠT ĐƯỢC
Kể
từ năm 2014, quần đảo Trường Sa đã trở thành một công trường xây dựng
lớn độc nhất vô nhị. Hàng chục tàu của Trung Quốc đã làm việc suốt ngày
đêm, cắt san hô và nạo vét cát đáy biển để biến những rạn đá chìm thành
đảo nổi nhân tạo. Trong vòng chưa đầy một năm, Trung Quốc đã tạo ra hơn
10 km vuông đất mới trên 7 địa điểm khác nhau trên cả quần đảo mà tổng
diện tích đất ban đầu chỉ có khoảng 4 km vuông. Bãi
Chữ Thập, chìm ở thuỷ triều cao khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm
1988, giờ đã là một hòn đảo rộng 2,74 km2 đủ lớn để chứa một đường băng
dài 3.100 mét và một bến cảng rộng 63 ha. Tuy là đảo nhân tạo, Bãi Chữ Thập đã gấp gần 6 lần diện tích hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình,
nhưng nó vẫn nhỏ hơn hai hòn đảo nhân tạo khác. Vào tháng 6 năm 2015,
Trung Quốc đã tạo được 4 km vuông đất tại Xu bi và và 5,6 km vuông đất
tại Vành Khăn, và những con số này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.
Cảnh đảo Phú Lâm
Trên đảo Phú Lâm,
Trung Quốc gần đây đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 mét và một cảng
nước sâu dài 1.000 mét. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất 8
máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom
JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ
5.000 tấn trở lên. Một đường băng và một cảng có kích cỡ tương tự đã
được xây dựng tại Bãi Chữ Thập.
Trung Quốc có thể không tấn công những thực thể địa lý mà các quốc gia khác đang chiếm đóng nhưng họ sẽ tăng cường nỗ lực bí mật kiểm soát những thực thể địa lý chưa có người nhưng ở vào những vị trí chiến lược.
Trung Quốc sẽ không chịu đưa tranh cãi ra toà, và vì là quốc gia mạnh
nhất trong khu vực, Bắc Kinh có thể thi hành bất cứ điều gì mà họ tự cho
là hợp pháp. Mục tiêu của Bắc Kinh dường như là muốn chiếm ưu thế trên
không và trên biển vào những lúc mà không có sự can thiệp quân sự của
Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể sẽ không cản trở các tuyến thương mại trên
không và trên biển ở Biển Đông, nhưng sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu
như Trung Quốc sẽ thỉnh thoảng chặn một số tàu thuyền và máy bay, cả
dân sự lẫn quân sự, của những quốc gia phản đối những nỗ lực bá quyền
khu vực của họ.
RỒI BIỂN ĐÔNG SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Giáo sư Alexander L. Vuving đặt câu hỏi: Vậy kết cục của cuộc chơi xây dựng đảo này sẽ là gì? Và ông trả lời:
“Vai trò của các hòn đảo nhân tạo này trong thời kỳ chiến tranh và ở phương diện luật biển rất đáng hoài nghi. Những
hòn đảo này quá nhỏ và quá cô lập để có thể chống đỡ các cuộc tấn công
lớn, chúng có thể dễ dàng trở thành gánh nặng trong thời gian chiến
tranh. Chỉ là đảo nhân tạo, những thực thể địa lý này sẽ không
thể được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Vậy tại sao Trung
Quốc lại đầu tư những nguồn lực khổng lồ để tạo ra những hòn đảo này?
Trung Quốc cần những đảo này làm gì?”
Khi vẽ đường chín đoạn, Trung Quốc muốn dựa vào học thuyết “vùng nước lịch sử”
(historic water) để coi Biển Đông như ao nhà của Trung Quốc. Nhưng Luật
Biển năm 1982 không công nhận “vùng nước lịch sử”, nên Trung Quốc quyết
định dùng sức mạnh để áp đặt tham vọng của họ. Tuy nhiên, vì sức mạnh
của Trung Quốc chỉ có giới hạn, Trung Quốc phải áp dụng “chiến lược tằm
ăn dâu” để lấn chiếm dần. Nhưng các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng,
như Giáo sư Alexander L. Vuving đã phân tích, có giá trị rất ít về
phương diện quân sự cũng như kinh tế, và khi chiến tranh xảy ra, nó có
thể bị thanh toán một cách dễ dàng.
Phải
chăng khi nhận ra tham vọng và các yếu điểm về chiến lược của Trung
Quốc, Hoa Kỳ đã tương kế tựu kế, tuyên bố “xoay trục” về Á Châu và “biểu
dương khí thế” để khích thích Trung Quốc gia tăng việc thiết lập các
căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, rồi thổi phồng lên để
xin gia tăng chi phí quốc phòng như tờ Washington Post đã tố cáo?
Báo cáo “Hiện đại hóa hải quân Trung Quốc: Ảnh hưởng đối với hải quân Mỹ”
do Quốc hội Mỹ công bố cho biết số lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện
nay dao động trong khoảng 66 đến 75 chiếc. Theo phân tích của Ủy ban
Quân sự Hạ viện Mỹ, số lượng tàu ngầm của quân đội Trung Quốc có thể đạt
con số 99 chiếc vào trước năm 2030.
Trong
khi đó, lực lượng chống ngầm của Mỹ và đồng minh quá mạnh. Chỉ riêng Mỹ
và Nhật Bản đã có gần 200 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C
Orion, P-1 Kawasaki và P-8A Poseidon. Số lượng máy bay này thừa sức
giăng thiên la địa võng khắp Biển Đông và Biển Hoa Đông, phong tỏa lối
ra vào Thái Bình Dương. Trung Quốc lại thiếu căn cứ tàu ngầm hạt nhân
tên lửa đạn đạo, chỉ có một căn cứ tàu ngầm chiến lược tại đảo Hải Nam.
Các chuyên gia Mỹ nói rằng các lực lượng tàu ngầm Trung Quốc còn rất
nhiều điểm yếu mà nếu khai thác triệt để thì việc tiêu diệt lực lượng
này là không quá khó.
Nhìn
qua các chiến lược và chiến thuật của Địch và Đồng Minh trên Biển Đông,
chúng ta thấy rằng số phận của Biển Đông đã vượt ra ngoài tầm tay của
các nước nhỏ trong vùng như Việt Nam, Philippines và Mã Lai. Do đó,
phương thức tranh đấu để bảo vệ Biển Đông của người Việt đấu tranh hiện
nay không có tác dụng nào đáng kể.
Ngày 16.6.2016
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment