Cô gái giao liên Saigon – An Giang, 40 năm sau
DCVOnline
“LAST
DAYS IN VIETNAM” là cuốn phim tài liệu do American Experience/PBS sản
xuất, đã bắt đầu chiếu (giới hạn) từ tháng Chín 2014 và đang được đài
PBS trình chiếu từ ngày 28 tháng Tư trên mạng truyền hình.
DCVOnline | “LAST
DAYS IN VIETNAM” là cuốn phim tài liệu do American Experience/PBS sản
xuất, đã bắt đầu chiếu (giới hạn) từ tháng Chín 2014 và đang được đài
PBS trình chiếu từ ngày 28 tháng Tư trên mạng truyền hình.
Phim truyện do Keven
McAlester, Mark Bailey viết và đạo diễn là Rory Kennedy. Đến tháng Tư
2015 phim “Những ngày cuối cùng ở Việt Nam” đã phát hành trên đĩa nhựa
(DVD).
Dài 98 phút, cuộn
phim “Những ngày cuối cùng ở Việt Nam” đã chiếu lại những ngày cuối, hỗn
loạn của cuộc chiến tranh Việt Nam; cộng quân Bắc Việt đang tiến vào
Sài Gòn và người miền Nam Việt Nam thì trong cơn hoảng hốt, tuyệt vọng,
cố gắng tìm cách trốn thoát. Binh lính và giới ngoại giao Mỹ phải đối
diện với một tình thế khó xử, rất nhức nhối về mặt đạo đức. Một là tuân
theo lệnh của tòa Bạch ốc chỉ di tản công dân Mỹ hoặc hai là cố gắng cứu
mạng, càng nhiều càng tốt, các đồng nghiệp người Việt Nam và như thế có
thể sẽ bị buộc tội phản quốc. Trong lúc thời gian không còn nữa và Sài
Gòn đang bị siết chặt lại, một nhóm người Mỹ và người Việt Nam bỗng dưng
trở thành anh hùng không định trước; họ tự quyết định lấy vận mệnh cho
mình và hàng chục ngàn người khác để vượt thoát khỏi làn sóng đỏ đang úp
sập Sài Gòn.
Ở phút thứ 90 giây
thứ 11, trên màn ảnh xuất hiện một thiếu nữ áo dài trắng, tóc thắt bím,
buộc khăn đỏ trên cổ tay và tay trái cầm súng lục đứng điều động giao
thông trên một con phố ở Saigon. Cuốn phim tài liệu không giải thích về
nhân vật, chỉ chiếu lại hình ảnh Sài Gòn ngày 30 tháng Tư, những giờ
phút sau khi ông Dương Văn Minh đã đầu hàng cộng sản vô điều kiện.
Thiếu nữ đó là
Nguyễn Thị Phương Thảo, một cô gái 16 tuổi hoạt động giao liên cho Việt
cộng. Hình ảnh và hoạt động 40 năm trước của Phương Thảo đã xuất hiện
rất ngắn trong phim “Những ngày cuối ở Việt Nam”. Đặc phái viên của
DCVOnine đã liên lạc với người giao liên Việt cộng 40 năm trước đó để
thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Chúng tôi xin giới thiện đến bạn đọc nôi dung cuộc trao đổi giữa bà Nguyễn Thị Phương Thảo và đặc phái viên bổn báo.
DCVOnline: Nhìn hình ảnh chị năm 1975 trong film “Last days in Vietnam” đúng là ko nhịn được cười, chị tậu đâu ra khẩu súng lục oách phết.
Nguyễn Thị Phương Thảo (NTPT):
Người quay không quay dưới chân, có 1 đống luôn. Lúc đó ra “đứng đường”
có rất nhiều binh lính chạy loạn xạ, đem theo vũ khí. Bọn này chận lại
thu hết và để họ chạy tiếp. 6 giờ sáng bọn này đã ra đường, đến 10 giờ
khi nghe Dương Văn Minh đầu hàng thì mới làm chuyện đó.
DCVOnline: Hôm đó đúng ngày 30/4 luôn hả? Nhưng lúc đó tình cảnh đang hỗn loạn, mới 6 giờ sáng chị ra đường làm gì?
NTPT: Chờ chuyện quan trọng sẽ
xảy ra. Trong phim bạn có thấy một anh thanh niên đứng bên cạnh không?
Người đó dẫn dắt mọi chuyện. Người đó biết sẽ có chuyện nên đã thu xếp
trước đó cả tuần, thậm chí làm cho tôi một thẻ nhân viên bệnh viện Cơ
đốc nữa, nói là khi có chính biến mình sẽ vào bệnh viện đó giữ gìn tài
sản.
DCVOnline: Nhưng nhân vật đó là ai mà biết trước được “chuyện cơ mật” vậy?
NTPT: Là cộng sản thứ thiệt, anh ta hiện nay có một chức ở đài truyền hình thành phố.
DCVOnline: 16 tuổi, chị đã có mối liên hệ với cộng sản? Từ trường học hay từ đâu ra?
NTPT: 14 tuổi đã ở tù rồi, vì
“phá rối trật tự trị an”. Trung tướng Đỗ Kiến Nhiễu(*) đích thân xử tòa.
Hồi đó tôi trong đội văn nghệ “Hát cho đồng bào tôi nghe”, mỗi lần đi
hát, bị lựu đạn cay hoài. Tôi thường hát hợp xướng để gây quỹ giúp đồng
bào miền Trung bị bão lụt.
DCVOnline: Nghĩa là, chỉ vì đi “hát cho đồng bào tôi nghe” mà chị bị cảnh sát bắt và quy tội phá rối trị an?
NTPT: Không, vì sau đó, có mấy
chị rất dễ thương đến nhà xin bà già cho đi theo chị, bà già để tôi tự
chọn, tôi chọn một chị rất dễ thương.
Tôi đi một lần với chị ấy về thành phố
Long Xuyên – An Giang để chờ lấy mật thư. Từ lần sau đó, tôi đi một mình
cũng để lấy mật thư, có mật khẩu và ám hiệu đàng hoàng, rất vui.
DCVOnline: Lúc đó chị mới 14 tuổi?
NTPT: Đúng vậy.
DCVOnline: Nghĩa là, mới 14
cũng trở thành “biệt động Saigon” như ai vì một “chị rất dễ thương”? Khi
tham gia chơi trò “đưa mật thư” chị có biết mình trở thành “biệt động
Saigon” không?
NTPT: Giao liên chứ không phải biệt động. Giao liên Saigon – An Giang.
Thư khi đem thư (chỉ thị) về giao cho
cái chị dễ thương mà thương không dễ đó; chị ấy đọc xong theo nguyên tắc
là phải đốt thành than liền, nhưng vì người chỉ thị trong “gừng” là
người yêu chị ấy nên chị ấy giữ lại làm kỷ niệm. Thế là chị ấy bị theo
dõi, bị bắt thì dính chấu luôn cái mật thư mà có tôi góp phần.
Chị ấy bị tra tấn dã man thì khai ráo
trọi, nửa đêm tui bị cảnh sát đến còng tay bịt mắt dẫn đi. Tui bị uýnh
tơi tả, 6 tháng trong nhà giam sợ thất kinh luôn!
DCVOnline: “Uýnh tơi tả” một đứa bé 14 tuổi? Chị đã bị đánh thế nào?
NTPT: 4, 5 thằng sau buổi ăn
trưa, nhậu; 2 mắt đỏ lòm, chỉ mặc quần xà lỏn, để tui đứng ở giữa sau
khi dằng tui, lột hết quần áo rồi đánh cho ngã qua người này, thì người
này đánh qua người khác, gọi là đánh hội đồng!
Tui nghĩ ở chế độ nào vô tù cũng bị đòn. Còn khi tra khảo để làm hồ sơ thì một thằng với tui, hắn làm đủ trò khả ố có thể.
DCVOnline: Khả ố đến độ nào?
NTPT: À… có cần kể ra không? Mà
kể cũng hay; 14 tuổi thì tui cũng đã thấm một điều, khi con người không
có quần áo sẽ cảm thấy mất an toàn đến độ nào, giống như bị tước vũ khí,
và cảm thấy bị lâm nguy cùng cực, chới với, mất tinh thần. Mà khi run
sợ nhứt không phải là lúc bị làm nhục hoặc bị đánh (lúc đó chỉ thấy phẫn
nộ). Lúc nghe hoặc chứng kiến người khác bị tra tấn mới kinh khủng và
sợ phát… muốn loạn thần kinh!
DCVOnline: Rồi sau đó chị bị tòa kêu án thế nào?
NTPT: Hình như gọi là hội đồng gì
gì (Ở dưới xã hội này bị ám ảnh chữ nhân dân, nên giờ chỉ nhớ chữ nhân
dân) kết tội phá rối trật tự trị an, rồi chuyển lên nhốt ở trại giam Tân
Hiệp – Biên Hòa
Ở Nha Đô Thành thì bị giam trong cát sô,
là cái buồng nhỏ bằng một người nằm trên bệ xi măng, trên kế đầu có 1
cái lỗ cầu tiêu mà không có nước, trên lỗ có một vòi nước, không có đồ
vặn. Trên trung tâm họ sẽ mở nước theo giờ. Cửa sắt có 1 cái lỗ có nắp
đậy, vừa đủ một cái tô nhựa đưa vô mỗi buổi trưa và chiều.
Nằm trong đó mỗi lần nghe tiếng chìa
khóa khua loảng xoảng là biết có người bị đưa đi tra khảo. Thường như
vậy là 2 dãy số chẵn và số lẻ đồng loạt nhích cái lỗ ra để hồi hộp coi
ai bị đưa đi, sau đó bị đưa về thường phải có người dìu hoặc khiêng.
Còn ở cachot là còn đang điều tra, lập hồ sơ nên bị uýnh dữ lắm.
Cái ống nước là nơi trao đổi, trình diễn
văn nghệ theo yêu cầu của bạn tù mỗi khi không có nước chảy, thường ca
hát om xòm thì giám thị tức lắm, sẽ mở nước để tù nhân khỏi hát hò nói
chuyện. Mình mấy lần bị nước phụt vô mặt vì mê hát, mê nói quá.
Chỉ có số lẻ chơi với số lẻ, số chẳn ở dãy đối diện thì hò nhau qua ô bé bé.
DCVOnline: Thế là tha hồ có nước xài.
NTPT: Mà xài cũng không có gì để
hứng. Khổ nhứt là đại tiện mà không trúng giờ mở nước, nằm đó ngưỡng mộ
của mình đã đời. May mà tù thì đói lắm; đói kinh người nên cũng ít có vụ
đó. Mới vô tù rất chảnh đâu có ăn được cơm tù, nhịn luôn 3 ngày; ngày
thư tư thấy ngon quá ăn không bao giờ đủ, mặc dù nó cũng rất kinh
DCVOnline: Ít có vụ đó là vụ gì?
NTPT: Vụ đi cầu
DCVOnline: Vậy chị bị giam cứu ở Nha Đô Thành bao lâu?
NTPT: Sau 2 tuần bị giam riêng
thì được cho vô tập thể 20 (vì có 20 người nữ giam chung). Vui lắm, lúc
đó tui được các chị là cộng sản thứ thiệt dạy dỗ cẩn thận lắm; cho nên
sau 2 tháng thì khi bị giải lên Biên Hòa tôi cương quyết không chịu vô
trại thi hành. Các chị dặn vậy, tức là đừng chịu vô trại thi hành.
Trại thi hành là nơi người tù đã thành
án, mỗi ngày phải chào cờ trước khi đi lao động. Còn trại biệt giam là
chống chào cờ, nên bị nhốt riêng một chỗ, muốn làm gì thì làm, chỉ không
được tung tăng ra sân. Các chị nói nếu họ hỏi gì thì em đừng tranh luận
vì em không biết tranh luận đâu, em chỉ nói tui không làm gì mà bắt tui
đánh tui nên tui không chào cờ.
Vậy là tôi cứ thế mà nói.
DCVOnline: Chị ở Biên Hòa bao lâu thì được trả tự do?
NTPT: Lúc lên tới trại giam Tân
Hiệp – Biên Hòa 5 hay 4 tháng vì tổng công là 6 tháng. Báo chí và các
đoàn biểu tình của nước ngoài làm rất dữ với chính quyền nên họ thả. Ở
Thụy Sĩ có đoàn biểu tình đi tay đeo băng có chữ “Hãy thả con chúng tôi Nguyễn Thị Phương Thảo”. Sau này có người đem qua cho tôi cái băng đó, và 1 đồng hồ Thụy sĩ mà giờ mất tiêu rồi.
DCVOnline: Lúc đó là trẻ vị thành niên, chị được giam riêng hay chung với người lớn?
NTPT: Chung với người lớn sau khi thành án.
DCVOnline: Và tiếp tục lọt vào ổ Việt cộng để được giác ngộ, “phát triển” tiếp?
NTPT: Lúc đó là lúc ảnh hưởng nhứt. Về đến nhà câu cửa miệng là “thù Mỹ quá!”
Ở đó rất vui. Có lúc tuyệt thực để đòi
cải thiện chế độ lao tù, nhịn gần chết. Có lúc làm văn nghệ tất niên,
lấy hai ống quần đen cắt ra làm giấy ống, chổi cùn làm kiếm. Tôi đóng
vai công chúa, đóng vai Nguyễn Trãi… Nói chung là giỡn chơi suốt ngày.
Cho đến khi được đem về lại Nha Đô
Thành, họ trả lại quần áo rồi cho về. Mà tôi đâu có tiền về, cha mẹ cũng
không được báo. Nếu muốn, tôi có thể kêu xe chở về nhà rồi cha mẹ trả.
Nhưng lúc đó cảm thấy một giây cũng quý cũng vui khi được ở ngoài nên
tôi quyết định đi bộ về nhà. Từ Trần Hưng Đạo tôi đi bộ về đường Nguyễn
Thông nối dài, bước vô nhà bà già suýt ngất vì ngạc nhiên. Nhưng bà già
nhận xét “ở tù ra con Thảo dịu dàng, đằm thắm hẳn”. Bà già dẫn đi chụp
hình kỷ niệm liền.
DCVOnline: Hoá ra ở tù thật vui. Gia đình có biết chị tham gia “trò chơi lớn” trước khi bị bắt ko?
NTPT: Biết. Bởi vậy mới để cho tôi chọn. Nhưng lúc đó chắc nghĩ chỉ là văn nghệ thôi, vì từ nhỏ tôi đã thích hát
DCVOnline: Cho một đứa trẻ 14 tuổi chọn? Vậy gia đình chị có tham gia vào các tổ chức của Việt cộng ko?
NTPT: Có! Anh Cả của tôi mới thực
sự là biệt động thành, bị kêu án 20 năm khổ sai ở chuồng cọp ngoài côn
đảo, nhưng rồi bệnh tật, rồi chết.
Nhưng tui không dính dáng gì đến mấy ông
cộng sản bây giờ nhé. Mà có lẽ tui mới là cộng sản còn mấy ông nội bây
giờ là không phải!
DCVOnline: Chị được tự do ngày nào, chị còn nhớ không?
NTPT: Chỉ nhớ là tháng Sáu, đúng
cái năm có hiệp định Paris [1973]. Tôi bị bắt vô khoảng 1, 2 tuần thì
ngừng bắn và không bắt bớ nữa nên mấy ông nội đó ngứa ngáy tay chân; vì
quen tra tấn rồi nên mấy người đang có sẵn trong tù lãnh đủ, bị kêu lên
đánh hoài.
DCVOnline: Lúc đó chị đang học trường nào? Bạn bè cùng lớp khi biết chị theo Việt cộng đã có thái độ ra sao?
NTPT: Không còn liên hệ với ai,
vì họ bắt khuya nên đâu ai biết, chắc bạn bè nghĩ tôi chuyển đi thôi.
Tôi học trường Thánh Mẫu, học trường soeur nhưng quậy đục nước.
Sau khi ra tù vì lỡ cỡ học hành nên ba
má tôi mới chấp nhận cho tôi thi vô trường Mỹ thuật. Bà chị lớn học ở
đó, ông bà già thấy tự do nghệ sĩ quá nên không muốn tôi học. Nhưng tôi
rất thích, lúc nhỏ hay theo bà chị vô trường đó chơi với các anh chị
nghệ sĩ. Nhờ ở tù mới đạt được ước mơ!
DCVOnline: Chị có cảm nhận gì trong những ngày 30/04 năm 1975?
NTPT: Vui! Nghĩ rằng đó là tốt.
Nhưng, đụng chạm quá nhiều…
DCVOnline: Đụng chạm quá nhiều là sao ạ?
NTPT: Bây giờ sếp của mình cũng
là người đã phải chạy ra nước ngoài vì 30/4 chứ sao. Nói vui là “đụng”
với nhiều người; giờ cũng chẳng biết đâu là thực đâu là giả. Nói đến
chính trị thì mệt lắm!
DCVOnline: Nhưng ngay sau đó chị tiếp tục đi học chứ?
NTPT: Vâng, sau 75 tôi tiếp tục học Mỹ Thuật Gia Định đến 79.
DCVOnline: Rồi khi nào thì chị bắt đầu có những suy nghĩ khác?
NTPT: Sau 75 đụng nhiều thì tự
biết. Thật ra không phải chống đối, vì tính đã vốn sẵn hay chống đối,
cái gì cũng chống hết. Tôi chỉ thích làm theo điều mình nghĩ và rất
không thích nghe lời. Tôi làm ở đâu cũng vấp chuyện người ta bắt nghe
lời, không cho tranh luận. Thật là quá vô lý!
Nếu nghe lời giờ chắc tôi có một chỗ ở Ủy ban Nhân dân Thành phố hả?!
DCVOnline: Cho đến nay, có khi nào nghĩ lại, chị lấy làm tiếc về những gì đã làm trước ngày 30/4/75 không, dù chỉ một thoáng?
NTPT: Không. Không tiếc đâu, thời điểm nào cũng có cái lý của nó, nếu tiếc, còn nhiều cái đáng tiếc hơn.
DCVOnline: Nghĩa là, nếu được quay lại quá khứ chị vẫn sẽ tham gia “trò chơi lớn” chống lại chế độ miền Nam?
NTPT: Nếu quay lại được hả, không, ở tù kinh lắm. Chắc tôi sẽ thử đi vô bưng coi ra sao.
DCVOnline: Tức là chống triệt để hơn?
NTPT: Chưa chắc. Mấy thằng cha ở
trong đó an toàn hơn mình nhiều. Vì lúc đó, nhà chị em gái đông quá,
Việt cộng có đến nhà xin bà già cho mấy cô gái lớn vô bưng rồi đưa đi
học ở Liên Xô, chứ để ở Saigon sợ mấy cô bị “ngụy” dụ dỗ mất người;
nhưng bà già không chịu. Gia đình tôi lúc đó rất có lý tưởng cách mệnh
một cách “trong sáng”. Ông già còn la bà già khi thấy bà mua vàng trữ.
Ông nói, khi cách mạng về, vàng sẽ chỉ để lót đường, ko ai cần hết.
Cái câu này quả là đáng té ghế. Giờ thì “trắng” mắt ra nhé!
DCVOnline: Nhưng sau 1975 sao chị lại ra “nông nỗi” thế?
NTPT: Họ không cho tôi vào Đảng?
Họ lờ đi mà mình cũng lơ; mình có xin đâu mà họ nói chấp nhận hay không.
Đúng ra là tôi không quan tâm. Nhiều người khi nghe thành tích “bất
hảo” của tôi thì lập tức hỏi “Ô sao chị không phải là đảng viên”!
DCVOnline: Chị cũng lơ sao? Vậy là nhiệt huyết của chị bị tụt rồi sao!
NTPT: Trời, nói một câu đụng một
câu mà không lơ thì bộ nghĩ tui khùng sao? Tôi cãi với sếp lớn lẫn sếp
nhỏ riết mệt. Mà dĩ nhiên bọn họ cũng sợ cái ngữ của tui chết mồ Vô làm
đảng xào xáo ai chịu nổi.
DCVOnline: Cãi chuyện gì, chuyên môn, tư tưởng, chính trị hay chuyện gì cũng cãi?
NTPT: Bạn phải biết, với thời nay
không thể có chuyên môn riêng lẻ. Mình cãi chuyên môn tức dính vô chính
trị, mà chính trị là tư tưởng, vậy là xong đời!
Thí dụ, Tôi vẽ một hình ảnh các em nhỏ
chơi đùa mà tôi thích. Tổng biên tập bắt phải mang dép, phải có thắt
khăn quàng đỏ. Tôi nói các em đang chơi trên bãi cỏ không cần như vậy.
Thế là bị quánh giá tư tưởng không tốt. Mà tôi thà bỏ tấm đó, cho người
khác vẽ chứ tôi nhất định không sửa.
DCVOnline: Khi thấy mình xuất hiện trên film tài liệu Last days in Vietnam của đạo diễn Rory Kennedy, chị nghĩ gì?
NTPT: Hết hồn! Thiệt ra đã chuẩn
bị sẵn sàng rồi, vì khi một người bạn coi bên Mỹ, lúc phát hiện ra tôi
nàng quá hào hứng nên gọi điện về ngay lúc đó. Nàng hỏi:
“Ê bà Thảo, ngày 30/4 bà có mặc áo dài trắng, có thắt bím, có cầm súng vẫy vẫy không?”
Tôi bảo “Có.”
Bà bạn la lên, “Tui thấy bà rồi!”
Lúc đó tôi chỉ rất ngạc nhiên và thấy
tức cười và ngưỡng mộ bà bạn của mình sao mà có mắt “cú vọ” thế, vì rất
khó để nhận ra chứ.
Mà ngày 30/4 đó có rất nhiều phóng viên
nước ngoài theo quay phim chụp ảnh. Cái người đã quay tôi rất lâu rất
nhiều suốt một thời gian cả buổi sáng đó thì bị quân quản chận lại lột
hết phim, ông đó muốn khóc luôn mà. Cho nên tôi rất bất ngờ khi thấy có
đoạn đó, chắc chắn của một người khác, chắc có tele dài lắm nên quay tôi
mà tôi không biết.
DCVOnline: Chị coi phim đó chưa?
NTPT: Sơ sơ. Ở Việt Nam dĩ nhiên
là đâu có chiếu. Hôm bữa có tổ chức chiếu lậu một bữa, nhưng mọi người
lộn xộn nói cười nên không tập trung được.
DCVOnline: Nhưng sao chị lại có cảm giác “tức cười”?
NTPT: Tức cười là thấy mình giống
người cộng sản thiệt thụ, mặt mày rất nghiêm trọng. Ai quen tôi lâu thì
mới hiểu cái nghiêm trọng đó là gì.
DCVOnline: Mà lúc đó chị là cộng sản thiệt thụ đó chứ, không phải sao?
NTPT: Làm gì được hân hạnh đó. Cuộc đời cũng không lý giải được, có những bất ngờ, lạ lùng. “Có những phút làm nên lịch sử”, hơ hơ.
DCVOnline: Tổ chức chống buôn người chị đang công tác hiện nay tên là gì vậy?
NTPT: Pacific Links.
DCVOnline: Có một cháu học
sinh trung học 14 tuổi sau khi xem xong bộ phim đã nói thế này “cháu
không ngờ tại sao trước giờ sách lịch sử của cháu dạy khác đến thế. Thì
ra chúng cháu bị lừa dối.” Chị cũng đã xem qua bộ phim, chị nghĩ thế nào
về câu nhận xét này của một cháu học sinh 14 tuổi, cùng tuổi chị bắt
đầu tham gia vào “trò chơi lớn” năm nào?
NTPT: Ẹ! Toàn do mấy ổng! Bạn biết là trong nước chỉ được phép nói 1 chiều. Vậy có gì là ngạc nhiên?
Bây giờ hỏi cháu nhỏ đó đang ở đâu? Nếu đang ở CHXHCNVN thì không lăn tăn nữa. Không thắc mắc, dạy sao học vậy đi, cho nó lành!
© 2015 DCVOnlineNếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
DCVOnline: (*) Thực ra cấp bậc cao nhất của ông Đỗ Kiến Nhiễu là Chuẩn tướng. Ông là Đại tá khi nhậm chức Đô trưởng Saigon-Gia Định năm 1968, thăng Chuẩn tướng năm 1972, là Đô trường cho đến cuối tháng Tư 1975.
No comments:
Post a Comment