Thursday, January 23, 2014

Chuyện sợ vợ (Nguyễn Quang Lập)

Chuyện sợ vợ

Nguyễn Quang Lập
Chả hiểu sao mấy hôm nay ngồi đâu cũng nghe kháo chuyện sợ vợ. 
Đi Bến Tre về nhà Tâm Chánh, uống rượu sâm Ngọc Linh nói chuyện Biển Đông chán chê lại quay sang chuyện sợ vợ. 
Về nhà Võ Đắc Danh tán chuyện sợ vợ cho tới khuya. 
Sáng mai uống cà phê, Huy Đức nhìn mình cười cười, nói tối qua bác say, hát hò ghê quá. Mình hỏi cái gì. Huy Đức nói mỗi bài ca sợ vợ mà bác hát đi hát lại đến nỗi tôi thuộc làu. 
Nói rồi Huy Đức ngâm nga: 
“Nằm chung thì bảo...chật giường
Nằm riêng lại bảo...tơ vương em nào
Lãng mạn thì bảo...tào lao
Đứng đắn lại bảo...người sao hững hờ
Khù khờ thì bảo...giai tơ
Khôn lanh thì bảo...hái mơ bao lần?” 
Hi hi. 
Có lẽ ai cũng có ít nhất dăm bảy chuyện sợ vợ, mình cũng thế. Nhớ nhất cái Hội sợ vợ thời mình làm việc ở Huế.
Thời trai trẻ nghe người ta kháo nhau chuyện sợ vợ cứ nghĩ họ chọc nhau chơi vậy thôi chứ vợ có gì đâu mà phải sợ. 
Mấy anh lớn nghe mình nói thế thì xoa đầu mình cười cười, nói lấy vợ đi rồi biết em ơi. Mình chả tin. Chẳng qua đàn ông hay đem chuyện sợ vợ ra để trêu nhau, chọc quê nhau vậy thôi, dần dà mới biết té ra cho chuyện đó thật. 
Hôm mình mới về Sở VHTT Bình Trị Thiên, làm việc ở Phòng quản lý xuất bản, anh Vĩnh Nguyên cười khà khà, nói thằng này gia nhập Hội sợ vợ rồi. 
Mình nhăn răng cười, nói thiệt hả anh, phòng em toàn dân sợ vợ à. 
Anh Vĩnh Nguyên nói cả thành phố Huế này đều là dân sợ vợ, trừ tao. Mỗi tao không sợ vợ, răng mà tao đơn độc rứa không biết. Mình hỏi Văn Lợi, nói Vĩnh Nguyên nói vậy đúng không. Văn Lợi cười phì, nói đúng một nửa. Phải nói thế này mới đúng: cả thành phố Huế đều là dân sợ vợ mà Vĩnh Nguyên là ông sợ vợ nhất. 
Mình gặp Vĩnh Nguyên nhắc lời Văn Lợi, anh cười bẽn lẽn, nói không không, Văn Lợi vẫn không nói đúng sự thật. Tao sợ vợ thứ nhì thôi, Văn Lợi  mới là ông sợ vợ nhất. Văn Lợi là hội trưởng hội sợ vợ của chúng mày đó.
 Hồi đó phòng quản lý xuất bản có 5 anh em, mình chưa có vợ, còn lại  các anh Bính Văn, anh Hải Bằng, Văn Lợi, Dương Toàn Thắng đều nổi tiếng sợ vợ cả. Nói anh Văn Lợi sợ vợ cũng hơi oan, anh hâm mộ vợ thì đúng hơn. Chị Tùng rất đẹp, quản gia nội trợ ngon lành, anh Văn Lợi làm về chỉ có việc ngồi vểnh râu pha trà uống chứ chẳng phải làm gì. Đụng có việc gì chị đều đưa ra ý kiến rất xác đáng. Chị Tùng đã không nói thì thôi hễ nói ra điều gì chỉ có đúng trở lên. Văn Lợi hâm mộ vợ là phải, nói chuyện gì cũng Tùng nói thế này, Tùng nói thế kia. Mọi người vì thế có cớ chế anh sợ vợ, nói với Văn Lợi trên đầu có trung ương, dưới bụng có bà Tùng. Mình cũng trêu anh như vậy, anh trợn mắt lên, nói tôi có đội vợ lên đầu đâu, tôi đặt vợ dưới bụng, sao bảo tôi sợ vợ.
Anh Mai Văn Tấn còn viết hẳn một truyện cổ tích Sự tích cái ống bương nước để trêu Văn Lợi. Đại khái ngày xửa ngày xưa có anh Văn Loi hiền lành tốt bụng cưới một cô gái rất xinh đẹp tên là A Tung. Vì quá yêu vợ, Văn Loi không để cho A Tung làm gì cả. Một hôm Văn Loi vào rừng săn bắn tối mịt vẫn chưa về. Ở nhà hết nước, A Tùng không đợi Văn Loi về lấy nước như mọi khi, đành quảy gánh xuống suối. Lâu ngày không quen gồng gánh, đêm tối dốc trơn, A Tung bị ngã, chết thảm dưới chân dốc. Văn Loi ôm lấy vợ kêu khóc thảm thiết, nói ôi A Tung ơi, không có A Tung thì đời Loi còn nghĩa lý gì nữa, nói rồi ôm vợ lao xuống thác, chết tốt. Từ đó dân Vân Kiều bỏ tục gánh nước, chỉ lấy nước bằng ống bương. Truyện này in trong tập Truyện cổ Vân Kiều hẳn hoi, ghi dưới truyện là ghi theo lời kể của cụ này cụ kia, thực  tế  là Mai Văn Tấn bịa ra tất, hi hi.
Anh Bính Văn là họa sĩ, anh bỏ vợ hay bị vợ bỏ chi đó, mình không rõ. Mỗi lần mình hỏi vì sao bỏ vợ, anh làm bộ quan trọng kéo tay mình rỉ tai, nói phải bỏ thôi, nếu không đời tao tuyền sống trong sợ hãi. Mình nói gì mà kinh thế. Anh nói mày chưa vợ con biết cứt gì, kinh lắm. 
Mình nói anh không nộp đủ thuế à, sao mà sợ thế. Anh trợn mắt lên, nói đâu có, tao nộp cả gốc lẫn lãi vẫn cứ sợ vợ như thường.
Có lẽ anh Bính Văn nói thật. Nhiều người cứ bảo đàn ông sợ vợ đa phần vì không nộp đủ thuế cho vợ, chả phải. 
Một hôm mình nghe ba ông anh, anh Điềm ( Nguyễn Khoa Điềm), anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường), anh Vĩ ( Tô Nhuận Vĩ) ngồi kháo chuyện định kì nộp thuế. 
Anh Điềm nói tôi đăng báo Dân ( Ba ngày một số), anh Tường nói tôi đăng báo Văn Nghệ ( Bảy ngày một số). Anh Vĩ nói các ông kém thế nhỉ, tôi đăng báo Nhân dân (Một ngày một số), ngoài ra còn đăng thêm vài phụ trương nữa. 
Anh Điềm, anh Tường đều trợn mắt thè lưỡi, gọi anh Vĩ là sư phụ. Nhưng anh Vĩ sợ vợ nhất trong ba anh, giống anh Văn Lợi luôn mồm nói Cúc nhà mình nói thế này, Cúc nhà mình nói thế kia. Ngồi đâu hễ chị Cúc réo một phát là ba chân bốn cẳng vọt về ngay.
 Phòng mình hồi đó vợ anh Dương Toàn Thắng đẹp nhất. Chị Hải đẹp nhất trường Đại học Ngoại Ngữ, về làm việc ở Ủy ban tỉnh Bình Trị Thiên được một tuần cả thành phố Huế đều nức tiếng chị. Anh cũng là dân Ba Đồn với mình.  Mỗi lần anh đem vợ về quê,, con nít chạy rật rật cả đoàn sau lưng chị. Người ta bảo ồn như chợ, thế mà mỗi lần chị Hải xách làn vào chợ y chang hoàng hậu vi hành, đi tới đâu là ở đó bỗng lặng ngắt, ai nấy mắt tròn mắt dẹt, thì thà thì thầm.
Mình thuộc loại con nít không dám tơ tưởng, anh Văn Lợi trưởng phòng tốn cả trăm bài thơ tình về biển (Hải là biển mà) chẳng được cái xơ múi gì, anh Thu Bồn cả tháng mưa Huế đứng trước cửa sổ nhà chị cũng không hề được chị để mắt tới, cuối cùng đành để lại bài thơ Tạm biệt Huế, bài này rất nổi tiếng, con gái Huế thuộc làu “ Tạm biệt Huế với anh là vĩnh biệt/ anh trở về hóa đá phía bên kia”.
 Nghe tin Thu Bồn về Đà Nẵng, anh Thắng sướng lắm, nói lão Thu Bồn về Đà Nẵng tao nhẹ cả người, bây giờ tao mới yên tâm hóa đá ở trong bia, khơ khơ . Anh Thắng kéo mình đi nhậu, nói chúng nó bảo Văn Lợi là hội trưởng hội sợ vợ, sai bét, tao mới là hội trưởng. Mình nói em thấy chị Hải hiền thế, sợ gì nhỉ. Anh kéo  tay mình chỉ về ông phó chủ tịch tỉnh đang ngồi nhậu ở gốc xa, nói mày biết ông đó không. Mình cười, nói lạ gì, ông đó tán chị Hải suốt hai nhiệm kì không đổ, đúng không. Anh Thắng gật đầu cái rụp, nói ông ấy còn sợ vợ tao, tại sao tao không sợ.
Uống bia say nhừ tử, mình hỏi anh Thắng, nói trong phòng mình chắc chỉ có anh Hải Bằng là không sợ vợ thôi, anh nhỉ. Em thấy Hải Bằng hơi bị gia trưởng, chưa thấy Hải Bằng sợ ai bao giờ, đến bí thư tỉnh ủy mà Hải Bằng còn dám to tiếng giữa hội nghị, chắc ổng thuộc diện vợ sợ chứ không phải sợ vợ. Anh Thắng cười cái hậc, nói mày biết đéo gì. Hải Bằng sợ vợ thảm lắm. Mình hỏi sao, anh Thắng nói Hải Bằng sợ vợ hiếp. Mình cười rũ, nói phét phét. Anh Thắng lại trợn mắt lên, nói tao phét mày làm gì. Hải Bằng già cả ốm yếu, bà vợ thì xinh đẹp trẻ trung như thế, sợ là phải. Một tối đang tán chuyện với tao, nghe tiếng vợ đi xem phim về ngoài ngõ là ổng vọt lên giường đặp chăn rên ầm ầm. 
Hải Bằng chuyên môn trốn thuế kiểu đó, có thảm không.
 Mình cười phun cả bia. Anh Thắng không cười, anh tu cạn ly bia rồi túc tắc đọc như đọc kinh thánh, nói:  
"Kính vợ đắc thọ
Sợ vợ sống lâu  
Nể vợ bớt ưu sầu 
Để vợ lên đầu, là trường sinh bất tử ..."
Thế mà anh Thắng không trường sinh bất tử, anh mất năm 42 tuổi, để lại hai đứa con gái và người vợ xinh đẹp tuyệt trần, tha hương tận trời tây.
 

UNESCO giúp vạch mặt ĐCSVN về danh nhân VH HCM

Thứ Hai, ngày 18 tháng 3 năm 2013

UNESCO giúp vạch mặt ĐCSVN về danh nhân VH HCM

MrLecongnhan
Sau khi xem xong clip "Unesco đã vô hiệu hóa việc vinh danh ông Hồ " của tôi . Rất nhiều người lý luận rằng "Trên cái mạng Internet bao la này, người ta nói gì chẳng được ". Vậy tốt nhất là đừng vội tin ai . Hãy tin vào chính mình. Tất cả các bạn đều có thể tự viết thư trực tiếp hỏi UNESCO như một Nữ Sinh Viên du học tại Nhật Bản , có tên Nguyễn Hồng Thanh Trúc đã làm dưới đây. Và bạn đó đã nhận được điện thư trả lời trực tiếp từ ông  Roni Amelan /English Edito/ UNESCO Press Service: "...không thể tìm thấy bất cứ thông tin gì về việc Hồ Chí Minh nhận được giải thưởng của UNESCO... ".
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn hành trình đi tìm sư thật của nữ sinh viên này :Trích đoạn thư Nguyễn Hồng Thanh Trúc 

"Từ một sản phẩm của "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người", gửi tới các chú, các anh Công an mạng...
 ...Rồi cháu đi du học. Vẫn có câu "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chưa bao giờ là sai cả. Cháu học được nhiều thứ lắm, không chỉ kiến thức trong trường học, mà còn cả kiến thức xã hội bao la...
...Trường đại học cháu theo học, khoa giảng dạy bằng tiếng Anh, toàn bộ là sinh viên quốc tế. Cháu là ngừơi Việt duy nhất, cũng kết được một số bạn. Hàn Quốc, Philippines, Mỹ, Úc, Jamaica,... Chả là hôm Tết Nguyên Đán vừa rồi, cháu cũng nhờ mẹ gửi xấp phong bì và ít tiền 10.000 đồng để mừng tuổi các bạn lấy hên, cũng vừa giới thiệu chút văn hóa nước nhà. Các bạn cháu vui, háo hức lắm. Một bạn người Hàn, ngắm nghía tờ tiền và hỏi cháu: 
- Ho Chi Minh, right? (Hồ Chí Minh phải không?) 
Không tả được là cháu đã vui mừng hãnh diện đến thế nào đâu, cháu bắt đầu huyên thuyên về sự vĩ đại, về chiến tích, về nhân cách sáng ngời của Bác, từ những gì mà cháu đã được học suốt ba cấp học trước những con mắt tròn dẹt của chúng bạn. Nhưng khi cháu vừa nhắc tới sự kiện 1987, Bác được Unesco công nhận Danh nhân thế giới.. 
- You've gotta be kidding me? (mày đùa tao à?) - một thằng người Úc nhảy ngay vào miệng cháu. 
-Whatcha mean? (ý mày là sao?) - lúc này thì cháu nóng máu lắm. 
- I dont know, you tell me. (tao không biết, mày nói tao nghe xem) - mặt nó lúc này quả là không đùa. 
Cháu bỏ đi sau khi dùng một số ngôn từ không hay ho để trả đũa, trước sự ngỡ ngàng của chúng bạn, thế nhưng mặt nó vẫn không biến sắc. 
Cháu về nhà, lòng hừng hực lửa tức giận, nó dám khinh khỉnh lên niềm tự hào dân tộc cháu. Đúng là bọn ngoại bang cao ngạo, khốn kiếp. Cháu quyết phải làm nó tâm phục khẩu phục. Cháu vào Google, tìm được bài tiểu sử của Bác trên trang Wikipedia tiếng Việt. Cháu đã hả hê lắm. Rõ rành rành đây, bao nhiêu chiến công, bao nhiên câu chuyện vĩ đại về cuộc đời Bác và nhất là danh hiệu Danh Nhân thế giới Unesco truy tặng ngày 20/11/1987. Lần này thì nó chỉ có mà cúi mặt nhận sai. 
Sáng sau đó, cháu tìm gặp dịch vanh vách cho nó nghe cả bài tiểu sử dài về đời Bác, tới đoạn Unesco, cháu búng tờ giấy đồm độp cho nổ con mắt nó ra. Nó vẫn chẳng nói gì. Nó chờ cháu huyên thuyên mãi thôi rồi mới mở miệng 
- I dont understand Vietnamese, i dont know what you're saying is right or wrong, but i refer something more objective, more "international". (tao không hiểu tiếng Việt, tao không biết điều mày nói đúng hay sai, tao dựa vào cái gì đó khách quan hơn, "quốc tế" hơn.) 
Nói đoạn, nó vào cũng vào Google, tìm tiểu sử của Bác, nhưng lần này là bản wikipedia quốc tế, bằng tiếng Anh. Cháu đọc từng chữ, từng chữ, càng đọc càng thấy hoang mang. Cháu sẽ không đề cập đến nội dung của nó, cháu không chắc được là nó đúng hay sai, và cháu có tin hay bác bỏ nó, vì nếu nói ra đây thì sẽ là cuộc tranh cãi dài hơi lắm, chuyện chứng minh thì càng khó tưởng, nó đã thuộc về quá khứ. 
Cháu xin đề cập tới chuyện hiện tại mà ta có thể chứng minh ngay, một cách dễ dàng. 
Vấn đề Danh nhân Thế giới của Bác. Cháu choáng váng. Trong đây có đoạn 
[.... 
In 1987, UNESCO officially recommended to member states that they "join in the commemoration of the centenary of the birth of President Ho Chi Minh by organizing various events as a tribute to his memory", CONSIDERING "the important and many-sided contribution of President Ho Chi Minh in the fields of culture, education and the arts" who "devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people, contributing to the common struggle of peoples for peace, national independence, democracy and social progress."[75] However, this was met with an uproar amongst some overseas Vietnamese, especially in North America, Europe and Australia, who criticize Ho as a Stalinist dictator and for the human rights abuses of his government.[76] 
(Năm 1987, UNESCO chính thức kiến nghị các nước thành viên "tham gia lễ kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh những kí ức về Ngài", XEM XÉT" sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật" người mà đã "cống hiến cả cuộc đời mình để giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Tuy nhiên, điều này đã vấp phải phản ứng gay gắt của một số người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, những người chỉ trích ông Hồ như một nhà độc tài Stalin và các vi phạm nhân quyền của chính phủ của ông.) 
Cháu đọc mãi, đọc mãi, cố tìm lời công nhận cho danh hiệu Danh nhân Thế giới của Bác, nhưng không thể. Nghĩ mình cẩu thả, cháu lại đọc thêm hai lần từ đầu chí cuối xem mình có ngu ngốc bỏ sót đoạn nào không. Cuối cùng cháu bỏ cuộc và ngước lên nhìn nó. 
- Can't find what you're looking for? (không tìm được điều mày cần tìm à?) - nó lẳng lặng khoanh tròn phóng to cho cháu thấy chữ XEM XÉT (CONSDERING) rồi nhìn cháu. 
Cháu cũng không nhớ nổi sau đó thì thế nào nữa, đầu óc cháu rối bời, không biết nên suy nghĩ thế nào cho phải, cho đúng. Cả đêm cháu cứ trằn trọc mãi, suy nghĩ về lòng tin suốt 21 năm qua của mình. 
Sáng hôm sau là một ngày chủ nhật, cháu dành một ngày để quyết định mình nên làm gì. Thế rồi cháu lên mạng bắt đầu hành trình tìm sự thật. Cháu vào những trang web bị nhà nước gán mác phản động, chống phá. Cháu muốn thử đọc xem người ta viết gì, nghĩ gì, tại sao lại làm như vậy. Cháu thử nhìn nhận vấn đề khách quan và " quốc tế" như người bạn cháu. 
Lại một lần nữa cháu đau ê ẩm đầu, cháu lại chả biết nên tin vào đâu, cái gì là thật, cái gì là giả. Bỗng cháu thấy một nỗi sợ mơ hồ, phải chăng từ ngày cháu sinh ra cõi đời này, đã bị bủa vây bởi những lời dối trá? Cả cuộc đời cháu trước nay đã bị lường gạt? 
Nhưng rồi cháu quyết định, tốt nhất đừng tin ai cả, sự thật đến từ mắt thấy tai nghe. Trên cái mạng Internet bao la này, người ta nói gì chẳng được. Tốt thôi, cháu sẽ tự tìm ra sự thật, là người trực tiếp đón nhận nó, chứ không phải thông qua bất cứ ai hay trang báo nào. 
Cháu tìm được số điện thoại và liên lạc với tổ chức Unesco. Tim cháu đứng nhịp khi đầu dây bên kia nghe máy chỉ sau một hồi chuông. Một giọng phụ nữ trẻ trả lời bằng tiếng Pháp, tiếng Pháp của cháu không giỏi, nên hỏi xem chị nói được tiếng Anh không, chị trả lời có. Cháu trình bày về thông tin mình tìm được về Bác trên wikipedia quốc tế, và những điều mình được học, được biết. Cháu hỏi chị này mình có thể liên hệ với ai để xác nhận. Chị hẹn cháu khoảng nửa tiếng gọi lại xem sao. 
Lần hai cháu điện thoại, một phụ nữ đứng tuổi nghe máy, cháu trình bày lại một lần nữa, lần này cô chuyển máy cháu tới một giọng đàn ông trẻ. Ông này im lặng nghe cháu giải trình (lần ba, haiz). Sau đó ông bảo cháu gửi email cho ông, thì ông sẽ nắm rõ hơn và mới trả lời chính xác cụ thể hơn được. Ông cho cháu địa chỉ email. 
Cháu lại gửi email cho ông này, nhận được hồi đáp, cháu run rẩy 
Dịch thư cháu gửi ông Roni
< Gửi ông Roni Amelan, 

Ông khỏe chứ? 

Tôi là Trúc, một công dân Việt Nam. Tôi đã cố gọi tới tổ chức Unesco một vài lần để xác nhận một số thông tin, tuy nhiên, tôi không tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình. 

Vâng, đây là vấn đề của tôi. Theo những gì tôi đọc được từ wikipedia về chủ tịch Hồ Chí Minh. Có đoạn viết 
(phần này cháu đã dịch ở trên) 
Dựa trên thông tin này, thì tôi không tìm thấy dòng nào khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã thật sự nhận được bất cứ giải thưởng nào từ Unesco. 
Tuy nhiên, từ ngày còn nhỏ, tôi đã được dạy là ông có, ông nhận được giải thưởng của Unesco vào năm 1987, giải " Anh hùng Giải phóng Dân tộc- Danh nhân văn hóa thế giới", điều này cũng có xuất hiện trong wikipedia, bản tiếng Việt, có viết 
(phần này thì chắc cháu không cần dịch) 
Hai thông tin này, thật sự làm tôi khó nghĩ. Tôi không biết điều nào đúng, điều nào sai. Tôi tin tưởng chính phủ của tôi và những điều họ nói. Nhưng tôi cũng muốn biết sự thật. Xin thứ lỗi vì đã làm phiền ông. Nhưng xin hãy giúp tôi chuyện này. 

Năm 1987, tổ chức Unesco có từng vinh danh Hồ Chí Minh là " Anh hùng giải phóng Dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới " hoặc bất cứ giải thưởng nào khác hay không? 

Như tôi đã nói, tôi không phải nhà báo, mà chỉ là một công dân Việt Nam bình thường, đang kiếm tìm sự thật. Vì nếu chưa từng có một giải thưởng nào, thì đồng nghĩa với việc chính phủ đã lừa dối tôi. Xin giúp tôi trả lời câu hỏi này, để tôi tìm lại chút bằng an trong tâm trí. 
Cảm ơn sự nhẫn nại của ông. 

Mong tin từ ông. 

Chúc một ngày tốt lành. 

Niềm tin và Hòa bình. 

Trúc. > 

Dịch thư hồi đáp, 
< Gửi Trúc, 

Cảm ơn về bức mail của em. 

Tôi xin xác nhận rằng các nước thành viên của Unesco, họp mặt năm 1987 xuyên suốt Hội nghị thường kì của Unesco, thông qua điều 18.65 "Kiến nghị Tổng giám đốc Unesco thực hiện các bước thích hợp để kỷ niệm một trăm năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động diễn ra ở Việt Nam". 

Vì đây là tài liệu cũ, được scan ra, nên rất khó để tôi cắt in toàn bộ nghị quyết, nhưng em có thể tìm thấy ở điều 18.65 http://unesdoc.unesco.org/images/0007/000769/076995E.pdf
Tôi không thể tìm thấy bất cứ thông tin gì về việc Hồ Chí Minh nhận được giải thưởng của UNESCO, nhưng tôi vẫn đang kiểm tra. 

Có lẽ là quyết định của Hội nghị thường kì về việc yêu cầu hỗ trợ của UNESCO cho lễ kỷ niệm trăm năm đã bị hiểu lầm hoặc dịch sai nghĩa là Chủ tịch đã được trao một giải thưởng nào chăng? 

Tôi hy vọng có thể tìm được nhiều hơn, và sẽ gửi em bất cứ gì tôi tìm thấy. 

Trân trọng, 

Roni Amelan 

English Editor 

UNESCO Press Service 

Đau, đau lắm, nhục lắm các chú, các anh ơi! Vẫn biết sự thật mất lòng, nhưng cái sự thật này nó có đao có búa, nó cắt, nó nghiền cháu đau quá! Tại sao vậy các chú các anh? Tại sao vậy Đảng, tại sao vậy Nhà nước? Dối trá! Lường gạt! Nhưng dối trá lường gạt ai? Chính đồng bào, dân tộc mình đó. 
Còn bao nhiêu lời nói dối nữa? 
Nhớ những bài viết về chính sách mị dân, độc tài của Triều Tiên, dân Việt Nam mình đọc, chia sẻ, bình luận sôi nổi lắm. Họ lên án những gian trá đê hèn của kẻ cầm quyền ở đất nước phát triển lùi. Nhiều người đồng cảm, thương xót cho những phận người, nhiều người lại bỗ bã cho rằng chuyện này quá khôi hài, và nhân dân Triều Tiên là "những kẻ ngốc", thời nay đã là thời đại thông tin đại chúng, chỉ cần lên mạng là biết ngay đâu là sự thật. Nhưng người bỗ bã ơi, họ bị đàn áp, bị chi phối về truyền thông, họ biết gì đâu ngoài những lời lừa dối của chính phủ họ? Cháu từng hùng hồn bênh vực họ như thế đó. Nhưng giờ đây, lời nói đó đang tự vả vào mặt cháu. Cháu có Internet, mà cũng chả biết dùng, dùng đúng cách. 
Lại ánh nhìn của người bạn Úc đó, giờ cháu mới thấy, đó là ánh mắt xót thương của người bạn Quốc tế, đang cố giúp cháu thoát khỏi cơn mụ mị. Cháu như con ếch ngồi đáy giếng, tưởng là mình hay, cái giếng của mình đẹp. Giếng của cháu, khác gì cái giếng của anh bạn Triều Tiên? 
Điều cuối trong Năm điều bác Hồ dạy "Khiêm tốn - Thật thà - Dũng cảm". 
Đúng, mình khiêm tốn lắm các chú, các anh ạ. Khiêm tốn khi luôn có câu cửa miệng "không thể so sánh mình với Nhật với Hàn được..." Tại sao? 
Chữ thật thà cũng đâu mất rồi, cháu chẳng thấy. Là Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh? Là tham nhũng? Tại sao? 
Dũng cảm ư? Khi mà Hoàng Sa, Trường Sa được đổi tên rồi, là Tam Sa đó. Khi mà người ta biểu tình chống Trung Quốc lại bị dẹp bỏ, bắt bớ như tội đồ phản động. Quan hệ nhạy cảm giữa 2 nước? Hèn nhát! Tại sao? 
Cháu kính mong các chú, các anh, giải thích tận tường những câu hỏi Tại Sao hóc búa ấy. Chỉ có vậy lòng cháu mới yên, niềm tin cháu mới được phục hồi, giữ vững. 
Đó là về phần các chú, các anh Công An Mạng..."  Nguyễn Hồng Thanh Trúc ( Hết trích  )

   Các bạn có thể  đọc toàn văn bức thư tại  ĐÂY



Nguồn : danlambaovn.blogspot.com

Xem clip liên quan : 

Unesco đã vô hiệu hóa việc vinh danh ông Hồ. avi - YouTube

Tuesday, January 21, 2014

Nỗi buồn nhược tiểu (Trần Gia Phụng)

Mời xem:
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/01/cuoi-nam-noi-buon-nhuoc-tieu.html#more

Sunday, January 19, 2014

Friday, January 17, 2014

Hoàng, Trường sa và lòng yêu nước của người Việt nam. (Bảo Giang)

Mời xem: Nguồn:
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/01/hoang-truong-sa-va-long-yeu-nuoc-cua.html#more

1. Bản văn về chuyện ra đi tìm đường cứu nước, hay đi xin làm công cho ngoại bang của HCM.


Người Việt Nam đã được nghe đảng cộng sản ra rả tuyên truyền về chuyện ra đi tìm đường cứu nước của HCM. Nhưng thực tế chuyện tìm đường cứu nước ấy ra sao, chưa có mấy người nắm vững. Ở đây, xin mời qúy độc giả đọc vài văn bản do HCM viết về hành trình “cứu nước” của ông ta, xem nó thê lương, ảm đạm như thế nào. Và rồi nó được đảng cộng sản đánh bóng lừa phỉnh người dân ra sao. 

Thư Hồ chí Minh xin được trả lương $100 đô la Mỹ một tháng. gửi BCH quốc tế cộng sản.

Từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau 3 tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định. Vậy chuyến đi sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu.

A- Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.
B- Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này.
C- Tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó, và
D- Tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.

Tôi hành động thế nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Số tiền cần thiết cho sự ăn ở của tôi sẽ là bao nhiêu? - Hẳn là tôi sẽ phải đổi chỗ luôn, duy trì những mối liên hệ với các giới khác nhau, trả tiền thư tín, mua những ấn phẩm nói về Đông Dương, tiền ăn và tiền trọ, v.v., v.v.. Tôi tính rằng, sau khi tham khảo ý kiến các đồng chí người Trung Quốc phải có một ngân sách xấp xỉ 100 đôla Mỹ mỗi tháng, không kể hành trình Nga - Trung Quốc (vì tôi không biết giá vé). Ngày-4-1924 Hồ chí minh toàn tập, tập 2.

Vậy mà đảng ta cứ vênh váo tuyên truyền là “bác” đi tìm đường cứu nước. Ai ngờ “bác” đi làm công và xin được trả lương tháng là 100 đô la Mỹ. Mà lại xin tiền Mỹ chứ không phải là tiền Liên Sô hay là nhân dân tệ mới lạ! Xin hỏi nhà văn Huy Đức là, theo tinh thần của lá thư này, tác giả lá đơn xin việc này là kẻ đi làm thuê đánh mướn hay là người đi tìm đường cứu nước đây?

Kế đến, Thư ngày 06-6-1938, Hồ gởi Stalin. “Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó, hay là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi một việc làm gì mà theo đồng chí cho là có ích”. (Với Stalin vào thời điểm ấy, việc giết người hàng loạt cũng là việc có ích? -  
HCM toàn tập, tập 3 trang 90). 
Nếu lá thư trên chưa đủ chứng minh Hồ là kẻ xin đánh mướn chém thuê, thì lá thư này có đủ khả năng chứng minh cho công việc ấy hay không? Khiếp thật! Lãnh tụ nhớn đã vào nghề như thế, hậu duệ của y thế nào đây nhỉ?


2. Bản văn cốt cán trình bày về lòng yêu nước thương nòi của HCM.


Vào ngày 31-10-1952. Hồ chí Minh đã nổi tiếng khắp năm châu với lá thư sau: “Đồng chí Stalin kính mến, Tôi gởi cho đồng chí đề án cải cách ruộng đất của đảng Lao Động Việt Nam (tên của đảng cộng sản lúc bấy giờ). Đề án này tôi đã hoàn thành với sự giúp đỡ của hai đồng chí Liu Shaoshi và Van szia-Sian. Đề nghị đồng chí tìm hiểu và đưa ra chỉ thị về đề án này”.

Lá thư này đã chứng minh rõ ràng và sắc nét nhất về lòng yêu nước thương dân của Hồ chí Minh. Bạn đã rùng mình rợn tóc gáy lên chưa? Hỏi thử xem, khi viết lá thư này, Hồ có coi tập thể người Việt Nam là đồng bào với Y hay không? Hay mạng sống của người dân Việt sẽ tùy thuộc vào việc Hồ được trả tiền lương là 100 đô la Mỹ hay là nhiều hơn hoặc ít hơn như Y đã xin. Tôi không biết rõ ông ta được trả lương tháng là bao nhiều, nhưng biết chắc cái kết quả xem ra là vô cùng thảm khốc cho dân mình. Bởi vì kế hoạch cải cách ruộng đất sau khi được chấp thuận, chỉ có hơn 270000 ngàn người Việt Nam chết trong vụ tổng đấu tố theo đơn xin của Hồ với sự phụ giúp của hai “quan” cố vần Trung Cộng thôi. Còn việc nướng hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến đánh miền nam cho Trung Cộng và Liên Sô theo lời của Lê Duẩn là chưa tính tới! Nay bạn đã hiểu rõ lòng yêu nước thương nòi của “bác” chưa?

3. Bản văn về việc bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ.


Trên là những lá thơ yêu nước nồng nàn của HCM. Và đây, văn bản của thủ tướng thuộc phe của tác giả Huy Đức đã nêu cao phương cách bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước cho toàn đảng noi theo đây:

“CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ CÔNG NHẬN QUYẾT ĐỊNH VỀ HẢI PHẬN CỦA TRUNG-QUỐC
Thưa đồng chí Chu Ân-lai,
Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung-hoa,
Chúng tôi xin trân trọng thông báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.
Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958
PHẠM VĂN ĐỒNG”


4. Bản văn xác định về chủ quyền và Độc Lập của Tổ Quốc của cộng sản VN.


Và đây, văn bản chính thức trình bày về việc xác định sự độc lập cho tổ quốc CHXHCHVN do TBT đảng cộng sản ấn ký. Nó là bản văn nền tảng hướng dẫn cho mọi sinh hoạt của đảng sau này để cho Việt Nam mau chóng được thu nhận là một chư hầu cho ngoại bang và đưa toàn dân Việt Nam ta vào vòng nô lệ cho Tàu khựa đây. Nó cũng chính là lòng tự hào, và là niềm hãnh diện to lớn nhất của đảng, của tất cả mọi thế hệ đoàn đảng viên CS và cán bộ của nhà nước CHXHCHVN đấy!

Việt Minh Vận Động cho Việt Nam làm Chư Hầu Trung Quốc
ỦY BAN HÀNH CHÁNH KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG Hòa
Hỡi đồng bào thân mến!
Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào! Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mủi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế ?
Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối âu tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc.
Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không?
Còn nói gì đến y khoa của Âu Mỹ: Chúng chỉ cắt, đục, khoét, nạo! Có thế thôi! Hỡi đồng bào yêu mến! Chúng ta hãy gạt bỏ cách chữa bệnh của bọn Đế quốc phương Tây đem qua xứ ta! Ta hãy bỏ nhà bảo sinh của chúng, bỏ bệnh viện của chúng, ta hãy dùng thuốc dán của ông cha ta để lại và nhất là dùng thuốc Tàu danh tiếng khắp cả hoàn cầu. Ta hãy trở về phương pháp này, trước nữa để ủng hộ các bạn Trung Hoa, sau nữa để loại ra khỏi nước Việt Nam yêu mến của ta bao nhiêu những đồ nhập cảng thực dân như là khoa học, phát minh v.v.
Ta hãy quét sạch lũ “trí thức” đã xuất thân ở các trường Âu Mỹ, đế quốc và thực dân! Chúc “Tổng phản công” và “Thi hành mọi phương pháp bài trừ thực dân”.
Trường Chinh, Tổng thư ký đảng Lao Động (cộng sản)”

Sử sách sau này sẽ bình luận ra sao về lòng yêu nước của cộng sản đặt nền tảng vào lý thuyết tam vô và những bản văn dẫn chứng này? Họ là thế, nhưng phía người miền nam nói riêng, người Việt Nam nói chung, lòng yêu nước của họ đặt trên những nền tảng nào?


Những sự thật không thể chối bỏ. Phần 1 (Đặng Chí Hùng)

Mời xem:
https://www.youtube.com/watch?v=em1Rjcj8uxs

Thursday, January 16, 2014

Tình đồng chí lớn hơn lãnh thổ?

Sau 40 năm nhìn lại hải chiến Hoàng Sa

"Tôi có thể khẳng định rằng các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc cả. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử..."

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng?.

Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ?

Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy - người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.

- Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng phản đối?
Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia?

Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt - Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.

Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:
"Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?

Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn."

Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông.

hải chiến Hoàng Sa, thống nhất đất nước, Trung Quốc
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Đến tháng 4.1975, khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã đồng thời giải phóng luôn những hòn đảo ở Trường Sa, tôi mới ngã ngửa người ra rằng Ban lãnh đạo Đảng ta quả thật là tài tình, và quá hiểu Trung Quốc.

Vì sao? Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa.

Tôi có đọc được một tài liệu của Trung Quốc nói rằng họ tiếc tại sao trong đầu năm 1979, khi tấn công Việt Nam, lại không chiếm luôn những hòn đảo mà Việt Nam chiếm giữ thuộc Trường Sa đi.

- Tức là theo ông, nếu chúng ta lên tiếng khi họ đánh quân Việt Nam Cộng hòa năm 1974, họ sẽ cảnh giác hơn và có khi chiếm luôn Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa?

Tôi nghĩ vậy. Trong lúc chúng ta tập trung quân trên bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc sẽ thừa cơ chiếm các đảo.

Hơn nữa, có khi chuyện này còn ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước ấy chứ. Chắc anh còn nhớ vụ Pháp, thông qua Tùy viên Quân sự - Tướng Vanusseme, định can thiệp với Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối Tháng Tư năm 1975, về khả năng đưa quân Trung Quốc vào Việt Nam, chứ?

- Vâng. Nhưng tôi muốn hỏi thêm rằng lúc đó ý niệm về biển đảo của chúng ta có rõ ràng như hiện nay không, hay vẫn mơ hồ?

Ý thức rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam là bất di bất dịch. Ngay cả thời gian trước khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, trên bản đồ của họ đã vẽ rành rành cái đường lưỡi bò, và chúng tôi bên ngoại giao có phản ứng lại họ, hỏi tại sao trên bản đồ của Trung Quốc lại vẽ đường lưỡi bò. Họ mới giải thích, đấy là của bọn Quốc Dân Đảng vẽ thôi, chứ Đảng Cộng sản Trung không cho chuyện đó là nghiêm túc, nhưng có điều họ dứt khoát không bỏ cái đường lưỡi bò đi.

- Đường lưỡi bò có trên bản đồ của họ từ lúc đó?

Từ năm 1947, thời Quốc Dân Đảng, đường lưỡi bò bắt đầu xuất hiện trên bản đồ chính thức của Trung Quốc. Khi chính quyền cộng sản lên nắm quyền vào 1950, đường lưỡi bò vẫn tiếp tục tồn tại trên bản đồ cho đến nay.

Nhân chuyện Hoàng Sa, tôi muốn hỏi ông về mối nghi ngờ đây đó trong dân chúng rằng, khi đàm phán biên giới trên bộ, Việt Nam đã chịu mất đất. Với tư cách là người nghiên cứu kỹ Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, ông có thể trả lời được không?

Tôi có thể khẳng định các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử...

Ví dụ, có một thời gian để viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ, mỗi đêm Trung Quốc có 500 chiếc ô tô để chở vũ khí, hàng hóa hay lương thực, nhu yếu phẩm cho Việt Nam, và những xe này phải về ngay trong đêm để không ảnh hưởng đến chuyện khác.

Muốn vậy, phải làm đường cho tốt, và chỗ biên giới giáp nhau nếu làm theo đúng biên giới Trung Quốc thì đường phải đi vòng, hoặc qua đèo lội suối, nhưng để làm việc đó chúng ta đã để cho Trung Quốc được thuận tiện làm đường cho ngắn nhất, đơn giản nhất. 
Đến lúc sau này khi đàm phán với Trung Quốc, họ bảo đường của họ đến đâu thì đất của họ ở đấy.(!)

Hay, trong thời gian đó, từ năm 1966, Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa, một số người Trung Quốc trốn tránh đấu tranh áp bức của Hồng Vệ Binh truy đuổi, chạy sang Việt Nam, và chúng ta đã cho nương nhờ theo nghĩa "đồng chí", cấp đất cho họ ở.
Từ đó đến nay, làng xóm hình thành, mồ mả có, và khi đàm phán Trung Quốc nói dân của họ ở đâu thì đất Trung Quốc đến đấy.(!!!)

Vấn đề biên giới Trung - Việt chỉ có chuyện từ khi Trung Quốc tiếp đón Nixon năm 1972, và Việt Nam phản ứng dữ dội lại, từ đó Trung Quốc mới dùng vấn đề biên giới tác động. Chứ trước năm 1972, biên giới Trung - Việt cơ bản là biên giới hữu nghị và hòa bình.

Cám ơn ông.

Huỳnh Phan (thực hiện)

Wednesday, January 15, 2014

Monday, January 13, 2014

Chuyện về cột cờ đầu tiên tại Little Saigon (1985)

Chuyện về cột cờ đầu tiên tại Little Saigon
 
Tác giả: Lê Giang Trần

Vài lời nói trước: Người viết về câu chuyện này may mắn là bạn của 3 người trong nhóm vận động dựng cột cờ, nên đã được biết khá rõ ràng. Trong phạm vi giới hạn một bài viết, người viết chỉ vắn tắt, cốt yếu nhấn mạnh về ý nghĩa của cột cờ đầu tiên do chính người Việt Nam tị nạn dựng lên, hơn là chi tiết chính xác sử liệu. Rất mong độc giả chia sẻ, cũng như các nhân vật trong cuộc cảm thông bỏ qua những thiếu sót. Bài viết này được viết riêng cho chuyên mục “Người Việt, 30 Năm Tị Nạn và Định Cư” như một đóng góp nhỏ bé trong việc ghi lại quá trình thành hình và phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon.

1981, năm Con Gà, trong một bài phóng sự của tờ LA Times do một nữ phóng viên gốc Trung Hoa viết về nơi phố thị Bolsa, bà đã ví von nơi này như là một “Little bit Saigon”. Dần dà người ta bỏ đi chữ bit, “Little Saigon” định danh từ đó. Nhìn lại, 24 năm, sang năm 2005 Ất Dậu là 3 con gà. Chợt nhớ Ất Dậu 1945 ngày xưa ở Việt Nam...

Năm 1982 là năm định hình cho một phố thị Việt Nam tại quận Cam, con đường huyết mạch chính là Bolsa Ave với khoảng 100 cửa hàng Việt Nam mọc lên lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chưa nhộn nhịp hẳn vì hãy còn những khoảng đất vườn dâu, vườn cam, vườn rau nằm rải rác hai bên đường. Một chợ thực phẩm duy nhất là chợ Hòa Bình nằm cùng dãy với quán Café Le Crossand D'orée.

Ít người biết rằng, không phải con đường Bolsa khai sinh ra nơi tập trung buôn bán, mà khởi đầu là trên con đường Wesminster, gần đến đường Golden West đã có ngôi chợ Việt Nam, chợ Quê Hương, đầu tiên tại đấy cho mãi đến 1982 vẫn còn, và rải rác dọc trên con đường này từ năm 1977 đến 1982 nhiều cửa hàng đã thành hình. Nhưng kể từ khi MiNi Mall (khu nhà sách Tú Quỳnh, nhà hàng Thành Mỹ) thành hình trên đường Bolsa, rồi Nguyễn Huệ, rồi khu nhà hàng Song Long nối tiếp, hầu hết các tiệm ở đường Wesminster cũng lục tục dọn qua khu tập trung mới trên đường Bolsa. Chợ Quê Hương đổi chủ rồi cũng bị chợ Hòa Bình hút hết khách nên ế ẩm và đóng cửa, chấm dứt thời kỳ phôi thai kinh doanh trên con đường Westminster bất hạnh.

Trong sự thành hình của con phố Bolsa, sau 30 năm, dân Việt cư kỳ cựu ở vùng đất này nên nhắc đến một sự việc có tầm vóc tinh thần rất lớn đối với người Việt tị nạn sinh sống tại Little Saigon mà có lẽ theo thời gian đã chìm vào quên lãng, những người đến Little Saigon định cư sau này có thể cũng không nghe ai kể lại. Đó là cây cột cờ Việt nam đầu tiên được dựng lên tại khu thương xá Nguyễn Huệ, nơi có nhà hàng Đồng Khánh và phở Nguyễn Huệ. Nơi đây, lá quốc kỳ Việt Nam được phép chính thức treo phất phới trên nền trời, khẳng định và đại diện cho một dân tộc, một quốc gia, một sắc dân tị nạn Cộng sản đến định cư trên đất nước Hoa Kỳ. Lá cờ tượng trưng cho hồn thiêng sông núi, tiêu biểu cho một giá trị lịch sử đã được gìn giữ và hy sinh bằng biết bao xương máu cho lá cờ ấy, lá cờ Vàng Việt Nam biểu tượng của một dân tộc có tự do đã bị cướp đoạt. Họ hoặc vượt thoát hoặc bị xua đuổi khỏi quê nhà và chỉ mang theo một ấn chứng duy nhất là lá cờ của dân tộc họ, lá quốc kỳ xác định một quốc gia mà thế giới đã công nhận.

Trước năm 1989, là năm cộng sản Việt Nam mở cửa mời đón kiều bào về thăm quê hương, trước đó đối với người Việt tị nạn tại hải ngoại, quê nhà chỉ còn có trong tâm tưởng, không biết đến bao giờ mới trở về lại cố hương.

Năm 1984, một phóng viên tờ LA Times đăng bài phóng sự về chuyến đến thăm Little Saigon, ông nêu lên nhận xét “Little Saigon không chỉ là một trung tâm thương mại, đối với tôi, Little Saigon là trung tâm của quá khứ và một lịch sử được mang theo từ Việt Nam...”

Thực vậy, Little Saigon được xem là “thủ đô tị nạn”, một nơi có sinh hoạt chính trị mạnh mẽ, đồng thời tập trung hầu hết các văn nhân nghệ sĩ về đây sinh sống, đã tạo cho Little Saigon có một sắc thái đô thị đặc biệt, thu hút không riêng du khách Việt, du khách ngoại quốc cũng tò mò tìm đến viếng thăm nơi gọi là “Vietnamese Town”.

Trở lại, vào cuối năm 1984, một số quân nhân đứng lên lập nhóm để vận động với chính quyền thành phố Wesminster, xin được dựng cột cờ treo lá quốc kỳ Việt Nam tại khu thương xá Nguyễn Huệ. Nhóm này gồm năm người:

Cao Xuân Huy (Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến)
Lữ Mộc Sinh (Lực lượng Đặc Biệt)
Nghi Thụy (đài Truyền Hình Việt Nam)
Lý Khải Bình (Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến)
Việt Trí Cường, biệt danh Cường Cụt (Lực lượng Đặc Biệt)

Khoảnh đất dựng cột cờ đã xin được của chủ phố là ông Triệu Phát. Mọi thứ được tiến hành trong hồi hộp nôn nao nhưng bằng tinh thần của quân đội, quả quyết, tự tin, danh dự. Tại sao hồi hộp? Đấy là khoảng thời gian tinh thần chống cộng ở cao điểm, thành phần cộng kiều trà trộn hoạt động ngầm trong cộng đồng Việt Nam thì luôn nằm trong bóng tối, họ theo dõi mọi sinh hoạt của cộng đồng tị nạn. Theo thống kê của chính quyền Orange County thời đó, mức quan tâm về tội phạm băng đảng trong cộng đồng Việt Nam không phải là con số nhỏ (số thống kê vào năm 1989 là 41%). Thời đó, chuyện nổ súng thanh toán trong hàng quán, vũ trường gần như là chuyện thường tình. Đối với quân nhân thì xem là trò trẻ con, nhưng tình huống nổ súng bất ngờ không biết ai là ai, đáng phải đề phòng.

Khi tin tức dựng cột cờ được công khai phổ biến thì có truyền đơn rơi, thư hăm dọa phóng vào nhóm quân nhân khởi xướng tổ chức dựng cột cờ. Cường cụt đã nhiều lần được dán “note” vào kiếng xe anh với lời lẽ đại ý “Hãy bỏ ý đồ ngu xuẩn dựng cột cờ, thời thế đã thay đổi, đã hết thời của các anh v.v...” Vì những hăm dọa được tung ra tới tấp từ trong bóng tối như vậy, nhóm dựng cột cờ phải lưu tâm đề phòng, một mặt vẫn tiến hành việc làm của họ.

Ngày 18 tháng 3 năm 1989 Lễ Thượng Kỳ được tổ chức. Nhóm dựng cờ gửi thư mời đại diện các tổ chức chính trị, hội đoàn, đặc biệt là các tướng lãnh, các sĩ quan cao cấp trong quân đội hiện đang sống trong vùng hoặc lân cận. Ngày Lễ ấy có hai vị tướng đến chứng kiến là Tướng Nguyễn Ngọc Oánh ở Fressno về và Tướng Nguyễn Bảo Trị. Nhóm có mời được Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ đến dự. Từ San Jose, nguyên Đại Úy Không Quân Lại Thế Hùng xuống để điều hợp Lễ Thượng Kỳ.

Đêm trước ngày thượng kỳ, Cao Xuân Huy trải “nốp” sleeping bag dưới chân cột cờ ngủ giữ vì cộng kiều tung thư hăm dọa sẽ ủi sập cột cờ. “Nằm đó, nó ủi thì mình chết trước” Cao Xuân Huy nói rồi cười khẩy, tiếp “Bộ tui để nó ủi khơi khơi dễ dàng à! ĐM, tui hổng biết làm gì tụi nó à?” Lữ Mộc Sinh thì nổi máu con gà điên pollo loco, thề nặng “Tui mà không kéo lá cờ lên được thì tui chặt bàn tay tui dưới cột cờ rồi kéo nó lên”.

Đêm đó, ngoài một số quân nhân tự nguyện âm thầm thức suốt đêm canh giữ, còn có một số “anh em Bolsa”, những tay thứ thiệt, cũng ngấm ngầm lập vòng đai, đặt điểm trong các quán gần đó để “coi thằng nào lạ mặt nhốn nháo là hỏi giấy, ĐM, VC là tụi em thịt liền”. Rõ ràng là một đêm dài căng thẳng. Làm sao mấy quân nhân ấy không thủ “giò gà”. Đêm rồi qua, chỉ có mấy con mèo hoang quậy kêu ngoài thùng rác giấc khuya.

Sáng ngày thượng kỳ, các quan khách, tướng lãnh đứng trên lan can lầu, trước văn phòng Luật Sư Trần Sơn Hà nhìn xuống. An ninh toàn khu vực đã được kín đáo trấn thủ chặt chẽ, kể cả bên kia đường, ngã tư đường. Cường cụt ngồi xe lăn, dưới hai chân cụt, cây UZI sẵn sàng. Hai tay nghiêm trang nâng lá quốc kỳ xếp thẳng băng vàng rực, cùng với lá quốc kỳ hoa sao Mỹ. Quân nhân Hổ, cụt một chân, đẩy xe lăn cho Cường cụt hai chân.  Lại Thế Hùng điều khiển nghi lễ Thượng Kỳ. Tony Diamond kéo quốc kỳ Việt nam lên, Cường cụt kéo quốc kỳ Mỹ lên. Theo quy định cho phép, lá quốc kỳ Mỹ phải treo cao hơn quốc kỳ Việt Nam vì là cờ quốc gia chủ. Cường cụt lúc thượng kỳ quá xúc động, lòng yêu nước tăng lên sao ấy, chỉ kéo cờ Hoa Kỳ bằng ngang cờ Việt Nam. Vậy mới có chuyện.

Đám phản chiến Mỹ bỗng xuất hiện sau đó, đòi cắt dây hạ cờ Việt Nam xuống vì đã dám kéo cao bằng ngang cờ Mỹ. Nhóm đại diện Cựu Quân Nhân Mỹ bèn can thiệp. Nhóm dựng cờ phải theo luật định, nhích lá cờ Việt Nam xuống thấp nửa lá cờ Mỹ. Tạm êm chuyện. Cộng kiều có lẽ nhận được chỉ thị mới, bất động, không thấy cho xe đến ủi, không thấy bắn sẻ, không pháo kích, không đặt plastic hay gài mìn claymort, chỉ có gió xuân thoang thoảng mùi hoa trúc đào và trên cao gió lộng, lá cờ vàng tung bay phần phật. Lần đầu tiên nơi hải ngoại, lá cờ của hồn thiêng sông núi Việt Nam vươn mình uốn lượn như con rồng tung mình vờn gió xuân.

Một cụ già mù có người con trai đưa đến dự lễ, khi lắng nghe có tiếng phần phật cờ reo, ông níu cánh tay người con hỏi: “Cờ đã kéo lên được chưa con?” “Dạ, kéo lên xong rồi Ba”. Cụ già bật khóc nức nở, gương mặt không còn ánh sáng đôi mắt lộ đầy xúc động mếu máo, bàn tay run run vịn chặt vai người con trai bên cạnh, anh cũng rưng rưng theo nỗi niềm của người cha. Cao Xuân Huy tình cờ đứng gần, chứng kiến, quay vội vào tường cho giọt nước mắt nóng hổi của mình lăn khỏi con mắt.

Bầu không khí trang nghiêm long trọng ấy, khi lá Cờ Vàng Việt Nam tung bay trên nền trời Little Saigon, ai chứng kiến mà không vui buồn lẫn lộn, xúc động ngậm ngùi hòa lẫn hãnh diện lâng lâng. Ôi phải 10 năm, từ 1975 đến 1985, mười năm sau mới thực sự tận mắt nhìn thấy lại lá cờ oai linh của đất nước Việt Nam tung bay cùng gió lộng. Thôi... âu cũng là niềm an ủi lớn lao cho tâm trạng lưu vong trên đất khách quê người... cho ấm lòng chiến sĩ....

Nhà báo Du Miên cho biết, cột cờ Việt Nam tuy dựng lên là được sự cho phép của City Westminster, nhưng dựng xong vẫn chưa có văn bản chính thức. Sau khi dân Mỹ tại đây thấy cờ Việt Nam kéo lên, đã phản đối mạnh mẽ lên cơ quan chính quyền thành phố, họ đòi hạ xuống, khiến City lúng túng. Bấy giờ ông Trần Duy Hòe (thuộc Lực Lượng Đặc Biệt) phải xông xáo ra vào city đòi hỏi phải có văn bản cho phép chính thức cho cây cột cờ đã thành hình. Cuối cùng, một nghị quyết của chính quyền thành phố Westminster được ban hành, chấp nhận trên pháp lý về sự hiện hữu hợp lý của cây cột cờ. Đó là công lao của Ông Hòe và một số người thầm lặng cùng sát cánh với ông.

Vài hôm sau ngày thượng kỳ, dây cột cờ bằng nylon bị cắt đứt, lá cờ chao đảo chới với như kẻ sắp chết đuối kêu cứu. Thay dây mới. Lại bị cắt đứt. Kỳ này chúng ông thay bằng dây thép, siết bù lon lại, xem cộng kiều các con làm sao. Lữ Mộc Sinh tập họp anh em Bolsa, giao phó: “Tụi anh đã làm xong việc dựng cột và treo cờ. Đến phiên tụi em giữ cờ”. Như vậy, lá quốc kỳ Việt Nam lành lặn tung bay cũng nhờ có một phần góp tay canh giữ của “anh em Bolsa” thời ấy.

Những ngày kế tiếp sau ngày thượng kỳ, dưới chân cột cờ liên tục được nhiều người mang đến những chậu hoa tươi bày kín khắp cả chung quanh, bày tỏ niềm vui và lòng yêu kính lá quốc kỳ. Ngày 30 tháng 4 năm 1985, sau hơn một tháng dựng cờ được tổ chức “Đêm Không Ngủ” dưới ngọn cờ vàng. Đêm không ngủ đầu tiên dưới ngọn cờ quê hương thật là đầy ý nghĩa, thật đậm đà tình người, thật vui và cũng siết ngậm ngùi khi thả hồn nhớ nghĩ về quê nhà, bên ấy còn bao người thân ngóng chờ mòn mỏi, bên các trại tị nạn thì khổ cực, kêu cứu tuyệt vọng...

Thêm một chi tiết. Nơi khoảnh đất dành cho cột cờ có ngọn đèn đường đứng sát bên ngoài, nên nhìn vào cột cờ bị che khuất. Do hồn thiêng sông núi xui khiến sao đó, xuất hiện anh Diệp Thanh Tùng, tự nguyện chờ nửa khuya, mang xe cần cẩu lớn đến, cắt dây điện ra, dời cột đèn vào sâu trong sân, nối dây điện lại cho đèn cháy bình thường. Hỏi ra, anh là nhân viên đang làm trong Ty Điện Lực, thấy cột đèn che cột cờ coi chướng mắt không chịu nổi, bèn nổi máu anh hùng, bứng cột đèn đi chỗ khác chơi. Làm xong việc, lặng lẽ ra đi. Ai tin chuyện này có thể xảy ra, vậy mà đã xảy ra, mới thấy cây cột cờ linh thiêng thật.

Từ 1985-1988, 3 năm liền tổ chức đêm 30 tháng 4 tại khuôn viên nhỏ hẹp nơi chiếc cột cờ phất phới lá cờ vàng. Ba năm ấy, một quân nhân Thủy Quân Lục Chiến là Huỳnh Minh Châu, người cao lớn, tính ít nói và hiền lành, tự nguyện làm người thay cờ, giữ cho lá cờ luôn được lành lặn và rực rỡ. Tiếp tục lặng lẽ bao năm trời đến ngày hôm nay, không biết đã có bao nhiêu tấm lòng âm thầm nối tiếp duy trì gìn giữ để từng ngày từng đêm trên bầu trời Bolsa vẫn không vắng bóng lá cờ. Ai biết? Ai thương?

Sau khi tin tức lan truyền về cột cờ đầu tiên ở hải ngoại, có một vị là nhân viên của sứ quán Việt Nam ngày trước ở San Francisco, đã liên lạc với nhóm dựng cờ để mang lá quốc kỳ Việt Nam treo ở tòa sứ quán mà ông đang gìn giữ cẩn thận, mang đến bàn giao cho nhóm để treo lá quốc kỳ ấy lên. Buổi lễ được tổ chức thật cảm động và trang nghiêm ở trung tâm sinh hoạt Nguyễn Khoa Nam. Ông Trần Duy Hòe đại diện đứng ra nhận lá quốc kỳ.

Sau năm 1989, do Cộng Sản Việt Nam mở cửa, Việt Nam dần dà không còn là một quê hương xa vời trong tâm tưởng như những năm về trước. Vết thương lòng đã nguôi ngoai, dấu chân của lịch sử cát bụi đã lấp bằng. Những lá cờ Việt Nam được dựng treo khắp nơi ở hải ngoại khắp thế giới, người Việt ở hải ngoại nhìn những lá cờ treo quá quen mắt. Nhưng nếu ai là người chứng kiến phút giây lịch sử khi lá cờ Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên tung bay trên bầu trời tị nạn nơi xứ người, mới cảm nhận được trọn vẹn sự linh thiêng, tôn quý đối với một lá cờ được giữ gìn bằng biết bao xương máu của những vị anh hùng vị quốc vong thân.

Sau năm 2000, tôi tưởng có lẽ chính mình cũng đã quên đi. Bỗng một hôm, nhìn thấy hàng ngàn người Việt Nam tị nạn ngồi biểu tình trong đêm lạnh, khi cùng nhịp, phất lên lá cờ vàng nhỏ bé trong tay, hàng ngàn lá cờ nhịp nhàng đồng phất lên theo những cánh tay ấy đã khiến tôi nghẹn cứng cả lồng ngực. Sức mạnh khủng khiếp của màu cờ đánh thức một cái gì bừng dậy trong tôi. Tôi không hiểu là cái gì, nhưng tôi biết chắc, hồn thiêng sông núi Việt Nam là một điều có thật, đừng quên.

Đến cuối năm 2004, sau gần 30 năm từ mốc lịch sử 1975, lá cờ hồn thiêng sông núi, lá quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ, riêng tại Hoa Kỳ, đã được hầu hết các tiểu bang trên nước Mỹ công nhận là lá cờ của người dân Việt Nam Tự Do, không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, đã vượt thoát ra đi, đi tìm tự do và định cư trên khắp thế giới. Lòng đấu tranh kiên quyết gìn giữ màu cờ dân tộc đã được đáp đền, đã được hồn thiêng sông núi Việt Nam, anh linh của anh hùng tử sĩ hy sinh dưới lá quốc kỳ tự do ấy phù trợ cho tấm lòng son sắt của dân tộc.

Khi nào bạn có dịp đi ngang qua cây cột cờ đầu tiên dựng trên con phố Bolsa nơi Little Saigon, xin bạn gửi lên lá cờ vàng tung bay ấy một cái nhìn trìu mến. Chính lá cờ Vàng ấy mới thực sự làm ấn chứng đầu tiên cho cái thị tứ mà về sau, vào ngày 17 tháng 6 năm 1988 đã được chính quyền sở tại công nhận chính danh “Little Saigon” (bảng hướng dẫn exit vào Little Saigon đã được dựng trên freeway 22 trước khi vào exit Magnolia). vì nơi đây, đã trở thành một thành phố được mệnh danh “Thủ Đô Người Việt Nam Tị Nạn”.

Lê Giang Trần